5 cách giúp nhà sáng tạo “hái ra tiền” trên Instagram do chuyên gia gợi ý

Trong thời gian qua, nhiều nền công nghiệp đang dần cải tiến do chịu ảnh hưởng từ cách mạng đổi mới 4.0. Theo đó, nền kinh tế phát triển theo hướng sáng tạo là một trong những lĩnh vực nổi bật nhất.

Theo Forbes, nền kinh tế sáng tạo hiện có giá trị khổng lồ lên đến 100 tỷ USD, với 50 triệu người trên toàn thế giới tự nhận mình là nhà sáng tạo nội dung (Content Creator). Điều thú vị là 96% trong số họ là những Creator nghiệp dư, minh chứng cho việc rào cản gia nhập thế giới sáng tạo là rất thấp và bất kỳ ai cũng có thể tham gia.

Dữ liệu từ Uscreen

Hiện nay, khoảng 2 triệu nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp trên YouTube và gần một nửa trong số họ kiếm được nguồn thu nhập ổn định từ việc sản xuất nội dung trên nền tảng. Instagram đứng thứ hai với khoảng 500 nghìn nhà sáng tạo chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Instagram cũng là một trong những nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới với 1,5 tỷ người dùng hoạt động hằng tháng.

Do đó, những nhà sáng tạo nội dung đang có nhiều cơ hội tạo ra thu nhập bằng chính nội dung của họ. Cùng khám phá 5 cách giúp Creator “hái ra tiền” trên Instagram do chuyên gia gợi ý!

1. Hợp tác với các thương hiệu

Một trong những cách phổ biến nhất để kiếm tiền trên Instagram chính là kết nối và hợp tác với các thương hiệu. Creator có thể tạo ra thu nhập bằng cách giới thiệu các sản phẩm mới hoặc quảng bá các mặt hàng sẵn có của thương hiệu bằng cách làm nổi bật các điểm bán hàng độc nhất (Unique Selling Point – USP) và đưa ra các đánh giá (review) trung thực. Thậm chí, trong một số trường hợp Creator còn được thương hiệu tặng các sản phẩm dùng thử.

Trên nền tảng Instagram, Creator có thể dễ dàng quảng cáo sản phẩm bằng cách gắn thẻ (tag) tên tài khoản của thương hiệu vào bài đăng, đăng tải các Story có nút kêu gọi hành động (call-to-action) hoặc quay Reels miêu tả đặc điểm sản phẩm,… Tuy nhiên, nhà sáng tạo cần chú ý các yêu cầu, quy định từ Instagram khi thực hiện những thao tác trên. Nếu vi phạm, tài khoản của Creator có thể bị khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Quảng cáo sản phẩm bằng cách gắn thẻ (tag) tên tài khoản của thương hiệu vào bài đăng

Không chỉ quảng bá sản phẩm trên Instagram, Creator còn có thể tham gia vào các chiến dịch giáo dục, quảng cáo, tham dự các sự kiến trực tuyến và ngoại tuyến nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dùng về sản phẩm/dịch vụ từ thương hiệu.

2. Quảng bá sản phẩm bằng tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing)

Trước đây, nếu Creator muốn kiếm hoa hồng từ Affiliate Marketing, họ cần đăng tải về sản phẩm/dịch vụ trên tài khoản cá nhân, sau đó hướng người dùng ghé thăm trang web của nhà cung cấp (Advertiser). Đây là một trong những mô hình giúp các chủ doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu, tối ưu hóa các chiến dịch quảng cáo.

Thế nhưng đến tháng 7/2020, việc kiếm hoa hồng của Creator đã trở nên đơn giản hơn khi Instagram ra mắt một tính năng tương tự sàn thương mại điện tử trên nền tảng mang tên “Shop”. Giờ đây, Creator chỉ cần giới thiệu về sản phẩm của thương hiệu, sau đó gắn thẻ sản phẩm vào trong bài viết hoặc video. Khi người dùng nhấn vào thẻ, họ sẽ được điều hướng đến tab Cửa hàng trên Instagram, sau đó tìm hiểu và mua sắm sản phẩm trực tiếp mà không cần phải rời khỏi ứng dụng. 

Creator có thể gắn thẻ sản phẩm trong bài đăng của mình

3. Áp dụng huy hiệu trên Instagram Live

Theo Hubspot, nhiều nhà tiếp thị đã thử nghiệm video phát trực tiếp (Livestream) và nhận ra khả năng thu hút, giữ chân khách hàng hiệu quả của định dạng này. Sau khi nhận thấy tiềm năng phát triển của video livestream, Instagram đã giới thiệu một cách kiếm tiền mới cho Creator trên nền tảng vào tháng 10/2020. Theo đó, công ty đã triển khai huy hiệu (badge) trong Instagram Live. Người dùng có thể mua huy hiệu để nổi bật trong phần nhận xét, dễ dàng thu hút sự chú ý, đồng thời thể hiện sự ủng hộ của người dùng với Creator.

Người dùng có thể mua huy hiệu với ba mức giá là 0,99 USD, 1,99 USD và 4,99 USD. 

4. Kiếm tiền từ quảng cáo trên Instagram Reels

“Reels” chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam vào ngày 31/01/2021. Tính năng này cho phép người dùng tạo mới, chỉnh sửa các video dạng ngắn để chia sẻ với bạn bè hoặc với đông đảo người dùng khác trong mục Reels. Ngoài ra, người dùng cũng có thể khám phá và tương tác với các Reels khác.

Theo dữ liệu quý 1/2022 do Meta công bố, Reels hiện chiếm hơn 20% thời gian sử dụng Instagram của người dùng. Không chỉ có thế, hơn 45% tài khoản Instagram tương tác với Reel ít nhất 1 lần/tuần (theo dữ liệu nội bộ của Instagram vào tháng 02/2022). Do đó, nếu tận dụng hiệu quả công cụ này, doanh nghiệp sẽ tối đa hoá cơ hội tiếp cận với khách hàng mục tiêu trên nền tảng. 

Reels hiện chiếm hơn 20% thời gian sử dụng Instagram của người dùng

Trước sự phát triển mạnh mẽ của định dạng video ngắn, Instagram đã hỗ trợ người dùng kiếm tiền bằng chương trình Reels Play Bonus. Theo đó, người dùng sẽ nhận được tiền thưởng dựa trên:

  • Mức độ hiệu quả của Reels
  • Số lượng Reels mà Creator tạo ra
  • Tạo Reels đặc biệt dành riêng cho một sự kiện hoặc ngày lễ nhất định.

Cuối năm nay, nền tảng Instagram cũng sẽ bắt đầu chia sẻ thu nhập kiếm được từ quảng cáo hiển thị trên Reels của nhà sáng tạo.

5. Tăng doanh thu bằng tính năng Instagram Subscriptions

Vào tháng 7/2022, Instagram đã ra mắt tính năng Instagram Subcription giúp Creator kiếm được lợi nhuận từ những nội dung trên nền tảng. Về cơ bản, thông qua Subcription Instagram, nhà sáng tạo nội dung sẽ có thể kiếm được nhiều tiền hơn và mang đến những nội dung độc quyền, thú vị cho các subscribers (người đăng ký) của mình.

Khi đăng ký Subscription, người dùng sẽ có một số đặc quyền như:

  • Trò chuyện riêng với Creator
  • Nhận được thông báo về các nội dung của Creator sớm hơn
  • Quyền truy cập các nội dung độc quyền từ nhà sáng tạo nội dung. Chỉ những người đăng ký mới có thể xem và tương tác với các bài đăng và Reels độc quyền.

Theo The Drum

Kim Ngọc

Để lại một bình luận

%d bloggers like this: