VỤ ĐÁNH BOM CẦU CRIMEA TÁC ĐỘNG THẾ NÀO TỚI TƯƠNG LAI XUNG ĐỘT NGA – UKRAINE?

Vụ đánh bom cầu Crimea tác động thế nào tới tương lai xung đột Ukraine?

VỤ ĐÁNH BOM CẦU CRIMEA TÁC ĐỘNG THẾ NÀO TỚI TƯƠNG LAI XUNG ĐỘT NGA – UKRAINE?

Một vụ nổ bom đã xảy ra tại cây cầu huyết mạch Crimea, mà Tổng thống Nga Putin cáo buộc là do đặc nhiệm Ukraine đứng sau. Vụ tấn công được dự báo sẽ gây tác động mạnh tới xung đột Nga – Ukraine.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một hành động khủng bố với mục tiêu phá hoại một công trình dân dụng quan trọng. Vụ đánh bom này được lực lượng đặc nhiệm Ukraine khởi xướng và tổ chức tiến hành”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh trong một tuyên bố được đưa ra vào tối ngày 10/10.

Cầu Crimea (hay còn được biết đến với tên gọi cầu Kerch) được Nga khởi công xây dựng từ năm 2016 và hoàn thành năm 2019, 5 năm sau thời điểm bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga. Với chiều dài 19km, đây được cho là cây cầu vượt biển dài nhất châu Âu và là biểu tượng của sự kết nối giữa Crimea với Liên bang Nga. Sáng ngày 8/10, một chiếc xe tải đã phát nổ dữ dội trên cây cầu này, gây ra hỏng hóc nghiêm trọng.

Vụ đánh bom cầu Crimea tác động thế nào tới tương lai xung đột Ukraine? - 1
Khoảnh khắc xe tải nghi gắn bom phát nổ trên cầu Crimea.

Nhà chức trách Nga đã ngay lập tức cáo buộc đây là một vụ tấn công khủng bố và khẳng định sẽ làm rõ nguyên nhân vụ việc. Theo giới quan sát, phản ứng quyết liệt từ cả 2 bên sau vụ nổ trên cầu Crimea sẽ có những tác động lớn đến cục diện chiến trường Ukraine trong thời gian tới.

“Cây cầu được bảo vệ tốt nhất thế giới”

“Vào lúc 6h07, một xe tải có gài bom phát nổ trên tuyến giao thông phía cầu Crimea, thiêu rụi 7 toa xe chở dầu đang được vận chuyển bằng đường sắt đến Crimea”, Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia Nga cho biết trong thông báo phát đi ngày 8/10.

Vụ đánh bom cầu Crimea tác động thế nào tới tương lai xung đột Ukraine? - 2
Ảnh vệ tinh chụp cầu Crimea sau vụ nổ sáng 8/10 (Ảnh: Maxar).

Những hình ảnh từ camera an ninh cho thấy chiếc xe tải bị nghi có bom đã di chuyển đến gần đoạn cầu có những toa tàu chở nhiên liệu sau đó kích nổ. Lửa và khói lớn đã ngay lập tức bao phủ cầu cây cầu huyết mạch bắc ngang qua eo biển Kerch. Ảnh vệ tinh được chụp sau vụ nổ cho thấy 2 nhịp cầu đã sập xuống biển và một nhịp khác bị hư hỏng nặng. Ít nhất 3 người đã thiệt mạng khi ô tô của họ di chuyển gần chiếc xe có gắn bom.

Trước đó, nhiều quan chức Nga, trong đó có Chủ tịch Nghị viện Crimea Vladimir Konstantinov, cũng cáo buộc Ukraine đứng sau vụ nổ trên cầu Crimea.

“Trong 23 năm hoạt động kinh tế, họ không xây được bất cứ thứ gì đáng chú ý ở Crimea, nhưng giờ họ có điều gì đó để tự hào rồi. Họ đã tìm cách phá hủy cây cầu mà Nga đã xây”, ông Konstantinov nói.

Ở chiều ngược lại, Ukraine không lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc. Ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng “xe tải phát nổ đi lên cầu từ phía Nga, do đó nên tìm câu trả lời ở Nga”.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, cầu Crimea đã liên tục trở thành mục tiêu của các lời đe dọa tấn công từ nhiều quan chức chính quyền Kiev cùng một số đồng minh phương Tây. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, cách thức của vụ tấn công này đã khiến Moscow bất ngờ.

Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông vào ngày 7/7, Đại tướng Không quân Mỹ Phillip Breedlove, cựu Tư lệnh các lực lượng đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu, cho rằng cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối liền lãnh thổ Nga với vùng Crimea là một “mục tiêu tấn công tiềm năng” mà quân đội Ukraine có thể cân nhắc.

“Giờ đây, khi phương Tây đã hỗ trợ Ukraine tên lửa chống hạm Harpoon, tôi nghĩ người Nga càng có lý do để lo ngại việc Ukraine tấn công cầu. Tới tên lửa Harpoon, Kiev có đủ năng lực để thực hiện vụ tấn công nhằm vào hạ tầng bắc qua eo biển Kerch”, tướng Breedlove nói.

Vì những mối đe dọa từ các vũ khí tầm xa của Ukraine, quân đội Nga trong thời gian qua đã tích cực tăng cường các biện pháp bảo vệ cầu Crimea.

Vào cuối tháng 5, giới chức tình báo Ukraine ghi nhận việc các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 hiện đại nhất trong biên chế quân đội Nga đã được tái triển khai về khu vực bán đảo Crimea.

Đây là hệ thống tên lửa phòng không di động tầm cao đa năng có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết và có chế áp điện tử cường độ cao. Với khả năng đánh chặn các mục tiêu bay từ khoảng cách lên tới 400km ở độ cao 40-50km, tổ hợp S-400 có khả năng bảo vệ cầu Crimea và các mục tiêu quân sự khác của Nga trên bán đảo này trước máy bay ném bom chiến lược, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của đối phương.

Vụ đánh bom cầu Crimea tác động thế nào tới tương lai xung đột Ukraine? - 3
Tổ hợp phòng không S-400 hiện đại của Nga tại bán đảo Crimea (Ảnh: Sputnik).

Theo một số nguồn tin thân cận với giới chức quốc phòng Nga, cầu Crimea đang được bảo vệ bởi ít nhất 2 tổ hợp S-400, phối hợp cùng các hệ thống phòng không tầm ngắn như Pantsir-S1.

Về đường thủy, cầu được bảo vệ bởi lực lượng Hải quân Nga. Ngoài ra, trên cầu còn gắn hệ thống sonar tinh vi giúp phát hiện các mối đe dọa dưới nước.

Bên cạnh đó, các xe đặc chủng tạo khói ngụy trang đã được điều động đến khu vực cầu bắc ngang qua eo biển Kerch từ giữa tháng 7. Các thiết bị tạo khói này có khả năng tạo ra một màn khói trắng dày đặc có khả năng đánh lừa và làm giảm hiệu quả của đầu dò hình ảnh trên một số tên lửa hành trình dẫn đường và máy bay trinh sát của quân đội Ukraine. Trước đó, một con tàu lạ với những chiếc gương phản xạ đã điều đến gần cây cầu này. Giới quan sát cho rằng chức năng của con tàu này là giúp bảo vệ cây cầu chiến lược khỏi radar trinh sát của đối phương.

Những động thái trên cho thấy quân đội Nga đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản cây cầu chiến lược tại Crimea bị tập kích bằng tên lửa hành trình hoặc các vũ khí tầm xa của đối phương. Thượng nghị sĩ Nga Olga Kovitidi còn tự hào khẳng định đây là “cây cầu được bảo vệ tốt nhất thế giới, với nhiều lớp phòng thủ”.

Trước sự phòng bị kỹ lưỡng nhằm đối phó với các mối đe dọa từ trên không và trên biển, nhiều chuyên gia nhận định vụ tấn công bằng xe tải gắn bom sáng 8/10 đã không nằm trong tính toán của lực lượng phòng thủ Nga. Nhiều người cũng chia sẻ quan điểm về việc vụ tấn công này đã được lên kế hoạch tỉ mỉ nhằm tạo ra yếu tố bất ngờ với hàng phòng thủ nhiều lớp của Moscow tại Crimea.

Theo nhà bình luận chính trị David Hawkins: “Vụ nổ vào sáng 8/10 đã gây ra bất ngờ với người Nga. Những phản ứng sau vụ việc này sẽ rất đáng chú ý”.

Phản ứng quyết liệt của Nga

Moscow đã có những phản ứng quyết liệt ngay sau khi thông tin về vụ nổ được ghi nhận. Một ủy ban đặc biệt trực thuộc chính phủ Nga với nhiệm vụ điều tra và giải quyết hậu quả của vụ tấn công cầu Crimea đã được Tổng thống Vladimir Putin thành lập.

“Sau vụ nổ, Tổng thống Vladimir Putin đã nhận được báo cáo từ Thủ tướng Mikhail Mishustin, Phó Thủ tướng Marat Khusnullin, Bộ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp Alexander Kurenkov, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Vitaly Savelyev và người đứng đầu các cơ quan hành pháp.

Tổng thống đã lệnh cho Thủ tướng Mishustin thành lập một ủy ban trực thuộc chính phủ để nhanh chóng xác minh nguyên nhân cũng như giải quyết hậu quả của vụ việc. Ủy ban trên sẽ bao gồm những người đứng đầu của vùng Krasnodar và Crimea cùng các quan chức từ Lực lượng Vệ binh Quốc gia, Cơ quan An ninh Liên bang và Bộ Nội vụ Nga. Bộ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp Kurenkov và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Savelyev đang trên đường đến hiện trường vụ nổ”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.

Những tình tiết đầu tiên về nguyên nhân và thủ phạm của vụ nổ đã dần được hé lộ. Theo hãng thông tấn nhà nước Tass, Moscow xác định người lái chiếc xe tải phát nổ trên cầu Crimea là một cư dân vùng Krasnodar, miền nam nước Nga, và đã triển khai lực lượng tới lục soát nhà người đàn ông này.

Các giải pháp đảm bảo hoạt động giao thông vận tải giữa Crimea và Nga cũng đã được nhanh chóng triển khai. Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, cây cầu này là một trong những tuyến đường quan trọng giúp Nga vận chuyển binh sĩ và khí tài quân sự tới khu vực sát biên giới Ukraine. Trong vài tháng qua, hàng chục đoàn xe vận tải quân sự của Nga đã sử dụng cây cầu này để chở trang thiết bị và nhiên liệu đến các căn cứ quân sự tại Crimea và xa hơn là khu vực miền Nam Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 8/10 khẳng định các lực lượng đồn trú tại miền Nam Ukraine vẫn sẽ nhận được đầy đủ vũ khí, trang thiết bị và nhu yếu phẩm thông qua các tuyến đường bộ còn đang hoạt động và đường biển.

“Hoạt động tiếp viện cho các cánh quân của Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Nikolaev-Krivoy Rog và Zaporizhia sẽ được tiến hành liên tục dọc hành lang trên bộ và một phần bằng đường biển”, thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga viết.

Cùng ngày, các chuyến phà vượt biển nối liền bán đảo Crimea với đất liền Nga đã được đưa vào hoạt động trở lại.

“Các chuyến phà đã sẵn sàng. Chúng tôi sẽ mở lại tuyến phà nối Crimea với Nga ngay trong hôm nay. Lịch trình của các tuyến phà này sẽ được thông báo sau”, người đứng đầu chính quyền bán đảo Crimea Sergey Aksyonov thông báo chỉ ít giờ sau khi vụ nổ xảy ra.

Vụ đánh bom cầu Crimea tác động thế nào tới tương lai xung đột Ukraine? - 4
Trực thăng cứu hỏa nỗ lực dập tắt đám cháy tại cầu Crimea sáng 8/10 (Ảnh: Reuters).

Các biện pháp sửa chữa cầu Crimea cũng đang được khẩn trương lên kế hoạch. Nga đã cử những đội cứu hỏa chuyên nghiệp với sự hỗ trợ của máy bay trực thăng để nhanh chóng dập tắt đám cháy. Thợ lặn đã được huy động để kiểm tra kết cấu và độ an toàn của kết cấu móng và trụ đỡ. Những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy giao thông đã được nối lại tại một số phần cầu không bị hư hỏng trên cầu Crimea.

Để bảo vệ những nhịp cầu còn lại khỏi các vụ tấn công tương tự, Tổng thống Putin cũng hạ lệnh cho lực lượng hành pháp Nga tăng cường an ninh cho các tuyến đường vận tải qua eo biển Kerch.

“Cơ quan An ninh Liên bang Nga sẽ được giao quyền tổ chức và điều phối các biện pháp bảo vệ cho tuyến giao thông qua eo biển Kerch, cầu nối năng lượng của lưới điện giữa Liên bang Nga và bán đảo Crimea, cùng đường ống dẫn khí đốt chính giữa vùng Krasnodar và Crimea”, sắc lệnh của Tổng thống Putin hôm 8/10 nêu rõ.

Nguy cơ xung đột leo thang

“Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Moskva và cầu Kerch – hai biểu tượng quyền lực nổi tiếng của Nga ở vùng Crimea thuộc Ukraine – đã sụp đổ. Tiếp theo sẽ là gì?”, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố trên Twitter hôm 8/10.

Vụ đánh bom cầu Crimea tác động thế nào tới tương lai xung đột Ukraine? - 5
Cầu Crimea bị hư hại nặng sau vụ nghi án đánh bom khủng bố bằng xe tải (Ảnh: Kiev Post).

Dòng trạng thái đầy ẩn ý trên cho thấy nguy cơ về những vụ tấn công tương tự nhằm các mục tiêu mang tính biểu tượng của Nga sẽ xảy ra trong thời gian tới. Cùng ngày, Cố vấn Tổng thống Ukraine Podolyak cũng khẳng định vụ tấn công cầu Crimea chỉ là “sự khởi đầu”.

“Cầu Crimea là sự khởi đầu. Mọi thứ bất hợp pháp cần phải bị phá hủy. Mọi thứ bị lấy đi cần phải được trả lại cho Ukraine”, ông Podolyak viết.

Tuyên bố hùng hồn của giới chức Ukraine khiến giới quan sát lo ngại về việc chiến sự sẽ leo thang trong thời gian tới sau những động thái đáp trả của cả 2 phe.

Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger từ bang Illinois, Mỹ đã dùng từ “kịch tính” để mô tả về tác động của vụ tấn công nhằm vào cầu Crimea sáng 8/10.

Theo đó, những đòn trả đũa, có thể thông qua các vụ tập kích đường không dữ dội bằng tên lửa hành trình, máy bay không người lái cảm tử và pháo binh, sẽ được quân đội Nga tiến hành trong thời gian tới nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Trong thời gian qua, những vụ tập kích tương tự của Moscow đã phá hủy hàng trăm mục tiêu quân sự cũng như loại khỏi vòng chiến đấu nhiều binh sĩ của Kiev.

Ngoài ra, Nga nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh các chiến dịch trên bộ nhằm vào các phòng tuyến của quân đội Ukraine. Đây được xem là một nước đi hợp lý khi nó không chỉ giúp chặn đứng đà phản công của Kiev mà còn nâng cao tinh thần của lực lượng Nga sau những hoang mang mà vụ tấn công cầu Crimea gây ra.

Ông Anton Gerashchenko, một cố vấn cho Bộ trưởng Nội vụ Ukraine thừa nhận nguy cơ leo thang xung đột tại Ukraine sau vụ việc sáng ngày 8/10 đang ở mức cao.

“Khả năng người Nga sẽ tăng cường tấn công trong thời gian tới là rất cao. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các đồng minh hỗ trợ thêm vũ khí trong thời gian sớm nhất có thể. Quân đội Ukraine hiện cần 3 lần số pháo phản lực phóng loạt HIMARS hiện tại, 5 lần số xe tăng và xe chiến đấu bọc thép, đặc biệt là các xe tăng do NATO sản xuất”, ông Gerashchenko nói.

Vụ đánh bom cầu Crimea tác động thế nào tới tương lai xung đột Ukraine? - 6
Dàn xe quân sự chở binh sĩ Nga tham chiến tại Ukraine (Ảnh: Reuters).

Về phía Moscow, bên cạnh việc chuẩn bị cho kế hoạch đáp trả trong thời gian tới, quân đội Nga cũng sẽ cần phải tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh cho tuyến đường tiếp tế còn lại cho bán đảo Crimea. Tuyến đường này bao gồm một mạng lưới đường sắt và đường bộ đi qua lãnh thổ các khu vực ly khai Kherson, Donetsk, Lugansk và Zaporizhia mà Nga vừa sáp nhập.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Michael Kofman,  giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại CNA, một tổ chức tư vấn trong lĩnh vực quốc phòng của Mỹ, các tuyến đường sắt tại các khu vực này hiện là rất ít và cách xa nhau, qua đó hạn chế khả năng chở hàng với số lượng lớn. Vì vậy, ông Kofman cho rằng Nga cũng cần ưu tiên sửa chữa cầu Crimea trong thời gian sớm nhất.

“Khả năng chuyển quân và hàng tiếp tế của Nga thông qua Crimea sẽ bị giảm đi nghiêm trọng cho đến khi họ sửa xong cây cầu này”, ông Kofman nhấn mạnh.

Tùng Nguyễn

Theo DW, Newsweek, Reuters, Guardian

09/10/2022

11/10/202

Để lại một bình luận

%d bloggers like this: