Ông Tập Cận Bình và bước ngoặt Đại hội 20
CVN – Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ ghi một dấu son nữa trong sự nghiệp chính trị của ông khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 khai mạc vào hôm nay 16-10, một sự kiện được cả thế giới theo dõi.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – Ảnh: REUTERS
Trước khi đại hội khai mạc, ông Phó Hoa – người đứng đầu Hãng tin Tân Hoa xã – đã đưa ra cái gọi là lý thuyết “ba 1 phút”.
Đó là “không chệch khỏi hàng ngũ đảng dù chỉ 1 phút, không được chệch khỏi những chỉ đạo của Tổng bí thư Tập Cận Bình dù chỉ 1 phút, và không được biến mất khỏi tầm nhìn của Tổng bí thư Tập Cận Bình và Ban Chấp hành Trung ương Đảng dù chỉ 1 phút”.
Những gì ông Phó vừa nói không chỉ phản ánh sự tập trung quyền lực hiện tại, mà còn phác họa viễn cảnh sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 (Đại hội 20) lần này.
Những vấn đề trọng tâm
Đại hội 20 kéo dài khoảng một tuần với khoảng 2.300 đại biểu tham dự tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Thủ đô Trung Quốc đã tăng cường an ninh và xét nghiệm COVID-19, trong khi tỉnh Hà Bắc gần đó ra lệnh giảm hoạt động tại các nhà máy thép để cải thiện chất lượng không khí trong thời gian đại hội.
Đại hội diễn ra vào một thời điểm khó khăn với Trung Quốc khi việc kiên trì thực hiện chính sách “zero COVID” đã tạo ra những thách thức đáng kể cho nền kinh tế và cuộc sống người dân. Một trong những câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Trung Quốc, sau Đại hội 20, có thay đổi chính sách “zero COVID” và mở cửa với thế giới hay không.
Cuộc chiến chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh trước thềm đại hội, vừa thực hiện mục tiêu ông Tập đã đề ra khi lên nắm quyền năm 2012 vừa để truyền đi thông điệp các cán bộ cấp cao sẽ được lựa chọn nghiêm ngặt để hoàn toàn xứng đáng với những vị trí quan trọng.
Trong cuộc họp với 358 ủy viên Trung ương Đảng và dự khuyết bế mạc ngày 12-10, ông Tập nhấn mạnh “chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc sẽ không bao giờ có hồi kết”.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng tuyên bố từ thời điểm này về sau sẽ không có bất kỳ sự dung thứ nào cho các sai phạm, kể cả khi sai phạm đó diễn ra trước năm 2012. Đó là tín hiệu cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng đã được mở rộng hơn và sẽ còn nhiều cải cách, sửa đổi ở Trung Quốc sau Đại hội 20.
Về đối ngoại, lập trường của Trung Quốc với Nga và cuộc xung đột tại Ukraine khiến Bắc Kinh đối mặt với các sức ép từ phương Tây.
Về vấn đề Đài Loan, chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi đầu tháng 8 cũng đặt ông Tập trước phép thử cam go. Quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục căng thẳng và ngày càng leo thang đối đầu trên nhiều lĩnh vực – khu vực.
Nguồn: Thời báo Hoàn Cầu, Tân Hoa xã – Dữ liệu: Duy Linh – Đồ họa: TẤN ĐẠT
Sửa đổi điều lệ đảng
Gần như chắc chắn ông Tập sẽ có thêm một nhiệm kỳ tổng bí thư nữa sau đại hội này, phá vỡ giới hạn được đặt ra từ thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Mặc dù phải đến tháng 3 năm sau mới chính thức biết được ai sẽ là thủ tướng thay ông Lý Khắc Cường, nhưng thứ tự các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị công bố sau Đại hội 20 sẽ hé lộ phần nào câu trả lời cho điều đó.
Theo giới quan sát, chưa có dấu hiệu cho thấy ông Tập ủng hộ mạnh mẽ một nhân vật nào làm người kế nhiệm cho mình. Điều này hoàn toàn khác với những người tiền nhiệm của ông Tập như ông Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân.
Bài phát biểu khai mạc của ông Tập tại Đại hội 19 vào năm 2017 rất lạc quan, bao gồm các kế hoạch đầy tham vọng biến Trung Quốc thành cường quốc hàng đầu thế giới vào năm 2050. Ông đã đề cập đến từ “cải cách” 70 lần trong bài phát biểu dài gần ba tiếng rưỡi.
Trong bối cảnh hiện tại, bài phát biểu của ông Tập tại đại hội lần này sẽ thu hút nhiều sự chú ý và giới quan sát sẽ đem ra mổ xẻ, phân tích. Sự chú ý cũng sẽ dồn vào các sửa đổi đối với điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tân Hoa xã xác nhận các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã thảo luận về dự thảo các sửa đổi trong một cuộc họp do ông Tập chủ trì. Mặc dù những thay đổi không được tiết lộ, nhưng điều quan trọng là cuộc họp đã đi tới thống nhất sẽ sửa đổi điều lệ đảng trong đại hội này.
Giới phân tích tin rằng việc sửa đổi lần này nhằm đưa triết lý cầm quyền của ông Tập vào điều lệ đảng và củng cố hơn nữa vị trí lãnh đạo hạt nhân của ông trong đảng.
“Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, vốn được đưa vào điều lệ đảng trong Đại hội 19, có khả năng sẽ được rút gọn thành “tư tưởng Tập Cận Bình”.
Ông Tạ Mao Tống, nhà nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), tin rằng cụm từ “hai xác lập” sẽ được đưa vào điều lệ đảng. Trong đó xác lập đầu tiên là vị trí hạt nhân của ông Tập trong đảng, và thứ hai là xác lập vị trí chủ đạo của tư tưởng Tập Cận Bình trong phát triển đất nước.