Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển vùng Đông Nam Bộ

Theo dự kiến, sáng nay 26-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các bộ, ngành và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ để thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội của vùng tầm nhìn đến 2045.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tháng 12-2021 – Ảnh: Đ.H

Trước đó, ngày 7-10, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết 24 về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến 2030, tầm nhìn đến 2045 (nghị quyết số 24).

Ngay sau đó, Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị quán triệt thực hiện. Ngày 23-11-2022, Chính phủ ban hành nghị quyết số 154 để thực hiện nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị.

Việc một chủ trương chính sách của Bộ Chính trị từ lúc ban hành đến khi Chính phủ có nghị quyết hành động chỉ trong chưa đầy một tháng và cũng chưa đầy một tháng Chính phủ tổ chức hội nghị thực hiện. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của vùng Đông Nam Bộ đối với sự phát triển chung của cả nước trong giai đoạn hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (thứ hai từ trái sang) và ông Phạm Việt Thanh, bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, tham quan các gian trưng bày về phát triển của vùng Đông Nam Bộ vào chiều tối 25-11 – Ảnh: ĐÔNG HÀ

Được biết tại hội nghị này, ngoài việc Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì triển khai thực hiện chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, còn có nội dung quan trọng khác là xúc tiến đầu tư vùng với kim chỉ nam “tư duy mới – đột phá mới – giá trị mới”.

Chiều 25-11, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết hội nghị sẽ có khoảng 1.000 đại biểu tham dự với sự có mặt của các lãnh đạo bộ, ngành và sáu tỉnh miền Đông Nam Bộ. Ngoài ra còn có lãnh đạo của hai tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ có gắn kết với miền Đông là Tiền Giang và Long An, cùng hàng trăm doanh nghiệp, hiệp hội liên quan.

Gian hàng trưng bày của TP..HCM tại hội nghị – Ảnh: ĐÔNG HÀ

Tại hội nghị, các bộ ngành, tỉnh, thành và các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cũng sẽ trình bày tham luận của mình về đường hướng phát triển, những cơ hội và thách thức.

Trong chương trình hành động của Chính phủ ban hành theo nghị quyết 154 có những nhiệm vụ cụ thể như: tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để thành cụm liên kết ngành công nghiệp; phát triển vùng Đông Nam Bộ thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, giao lưu quốc tế của Đông Nam Á; phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; TP.HCM là đô thị hạt nhân, tập trung chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, tài chính quốc tế…

Đáng chú ý, Chính phủ đề ra giải pháp thực hiện thí điểm phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực như tài chính, quy hoạch, đất đai, huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư trên cơ sở đầu tư công dẫn dắt. Ngoài ra còn phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng do trung ương quản lý, đặc biệt là các công trình giao thông.

Để thực hiện nghị quyết 154, Chính phủ ban hành 19 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 của vùng Đông Nam Bộ như: tốc độ tăng trưởng bình quân từ 8 – 8,5%/năm, GRDP bình quân đầu người 380 triệu đồng, tỉ lệ đạt chuẩn nông thôn mới 100%, tỉ lệ thất nghiệp dưới 3%…

Mô hình cầu Phước An nối tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai. Đây là cây cầu kết nối quan trọng giữa hai tỉnh này với các tỉnh miền Tây qua cao tốc Bến Lức – Long Thành – Ảnh: ĐÔNG HÀ

Chính phủ cũng ban hành 35 nhiệm vụ, đề án cụ thể liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều mặt của phát triển. Trong đó có đề án về phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa và hoàn thiện thể chế chính sách và phát triển liên kết vùng. Ngoài ra còn có các đề án về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kết cấu hạ tầng đô thị cũng như phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Để lại một bình luận

%d bloggers like this: