Lãnh đạo thế giới tiếc thương và ca ngợi Nữ hoàng Anh

Các nhà lãnh đạo từ mọi nơi trên thế giới, từ Mỹ đến Nga, châu Âu, Á, Phi cùng hướng về nước Anh để tỏ lòng kính trọng với Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, sau khi vị nữ vương tại vị lâu nhất thế giới băng hà ở tuổi 96.

Nữ hoàng Elizabeth II chụp ảnh cùng các lãnh đạo thế giới tại Anh vào tháng 6-2021 – Ảnh: AFP

“Sự tôn nghiêm vượt thời gian”

Trong Khối Thịnh vượng chung, nhóm các quốc gia trước đây là một phần của đế chế Anh cũng như các vùng lãnh thổ hải ngoại còn lại của Anh, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chia sẻ rằng ông đau xót trước sự ra đi của Nữ hoàng.

Ở Nam Bán Cầu, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ôn lại kỷ niệm ông và Nữ hoàng đã cùng nhau hồi tưởng về cố lãnh đạo Nelson Mandela. Còn Tổng thống đắc cử của Kenya William Ruto ca ngợi sự lãnh đạo đáng ngưỡng mộ của bà đối với Khối Thịnh vượng chung.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã bày tỏ sự tôn kính đối với sự tôn nghiêm vượt thời gian của Nữ hoàng, nói rằng việc bà qua đời cũng đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên.

Ở phía bên kia Đại Tây Dương, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết Nữ hoàng Elizabeth “sẽ mãi mãi là một phần quan trọng trong lịch sử đất nước chúng ta”.

“Phẩm giá và sự kiên định vô song”

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định Nữ hoàng Elizabeth II là quốc vương Anh đầu tiên tạo mối liên hệ cá nhân với mọi người trên thế giới. Ông đã yêu cầu hạ cờ tại Nhà Trắng và các tòa nhà Chính phủ Mỹ để tôn vinh bà.

“Nữ hoàng Elizabeth II là một nữ chính khách có phẩm giá và sự kiên định vô song, người đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ đồng minh nền tảng giữa Vương quốc Anh và Mỹ. Bà đã giúp làm cho mối quan hệ của chúng tôi trở nên đặc biệt”, tổng thống Mỹ chia sẻ.

“Biểu tượng của sự hòa giải”

“Những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử gần đây của Vương quốc Anh gắn liền với Nữ hoàng. Trong nhiều thập kỷ, Nữ hoàng Elizabeth II đã nhận được sự yêu mến và tôn trọng của người dân cũng như uy tín trên trường thế giới”, các hãng tin Nga dẫn lời Tổng thống Putin.

Thủ tướng Đức đánh giá vị nữ vương quá cố là “biểu tượng của sự hòa giải” sau hai cuộc chiến tranh thế giới. “Cam kết của bà đối với sự hòa giải giữa Đức và Anh sau nỗi kinh hoàng của Thế chiến thứ hai sẽ không bị lãng quên”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết.

Argentina, quốc gia từng có cuộc chiến với Anh tranh quần đảo Falkland vào năm 1982, bày tỏ sự tiếc nuối về sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth. Tuyên bố ngắn gọn từ Bộ Ngoại giao nước này nói rằng sẽ “ở bên cùng người dân Anh và gia đình Nữ hoàng trong thời khắc đau buồn này”.

Ở Nam Mỹ, Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil gửi lời chia buồn và tuyên bố 3 ngày quốc tang cho “nữ hoàng không chỉ đối với người Anh mà tất cả chúng ta”.

Giáo hoàng cầu nguyện

Nữ hoàng Elizabeth II bắt tay Giáo hoàng Francis tại Vatican năm 2014 – Ảnh: AFP

Tại Vatican, Giáo hoàng Francis cho biết ông vô cùng đau buồn và sẽ cầu nguyện cho Nữ hoàng quá cố cũng như Vua Charles, theo Hãng tin AFP.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của Nữ hoàng Anh. Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel nói rằng: “Nữ hoàng, từng được gọi là Elizabeth kiên định, luôn cho chúng ta thấy tầm quan trọng của những giá trị lâu dài trong một thế giới hiện đại”.

Các quốc vương chia buồn

Nhà vua Philippe của Bỉ ca ngợi Nữ hoàng Elizabeth II là “một nhân cách phi thường”. 

Tại Hà Lan, Vua Willem-Alexander, Hoàng hậu Maxima và Công chúa Beatrix nói về “mối liên kết chặt chẽ với Vương quốc Anh, gia đình hoàng gia và chia sẻ nỗi buồn của họ vào lúc này”. 

Vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển gọi Nữ hoàng Anh là “một người bạn tốt của gia đình tôi, và là một sợi dây liên kết với lịch sử gia đình chung của chúng tôi”.

Nhà vua Felipe VI của Tây Ban Nha nói rằng Nữ hoàng Anh đã “viết những chương xác đáng nhất của lịch sử”.

Để lại một bình luận

%d bloggers like this: