Làn sóng Barbiecore “nhuộm hồng” giới thời trang

Trải qua hơn 60 năm thành lập, Barbie (Barbiecore) – một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới thuộc tập đoàn Mattel – đã cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của mình qua nhiều thời kỳ. Sự thịnh hành của nó được thể hiện qua những bộ trang phục màu hồng đổ bộ trên thảm đỏ, vô số bài đăng mạng xã hội, hay các chiến dịch của nhiều thương hiệu thời trang hàng đầu như Gucci, Valentino hay Jacquemus.

Từ mức độ phổ biến của búp bê Barbie, một xu hướng mang tên ​​Barbiecore cũng được ra đời. Bên cạnh sắc hồng đặc trưng, Barbiecore còn có họa tiết chấm bi, đường kẻ sọc cùng những phụ kiện sặc sỡ. Có thể nói, xu hướng này đại diện cho tiếng nói của sự nữ tính, ngọt ngào và quyền lực phái đẹp.

Sức ảnh hưởng mạnh mẽ của làn sóng Barbiecore

Barbiecore vốn không phải là một trào lưu nhất thời vừa mới xuất hiện gần đây. Theo trang Lisby, xu hướng này đã được biết đến từ lâu nhờ các biểu tượng thời trang đình đám vào đầu thế kỷ 21 như Paris Hilton, Nicole Richie và Britney Spears. Những trang phục mà họ mặc đều đậm chất nữ tính, thường có màu hồng lấp lánh và luôn là chủ đề tốn không ít giấy mực báo chí. Trang phục “nhuộm hồng” trong các bộ phim như Clueless, Legally Blonde và Mean Girls cũng góp phần làm tăng sự phổ biến của xu hướng này. 

Xu hướng Barbiecore được nhiều ngôi sao như Britney Spears, Paris Hilton, Nicki Minaj và Ariana Grande hưởng ứng

Vào cuối những năm 2000, các ngôi sao pop đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Barbiecore ngày càng phủ sóng mạnh mẽ hơn, từ phong cách vô cùng nữ tính của Ariana Grande, cho đến rapper Nicki Minaj.

Thời gian gần đây, Barbiecore lại tiếp tục trỗi dậy trên các phương tiện truyền thông nhờ vào sự giao thoa của nhiều sự kiện văn hóa. Vào tháng 7 sắp tới, bộ phim “Barbie” phiên bản live-action của Warner Bros sẽ ra rạp, với sự tham gia của diễn viên Margot Robbie trong vai nàng búp bê biểu tượng. Trước đó, theo báo cáo “Year in Fashion” của Lyst, Barbiecore cũng là trào lưu hàng đầu trong năm 2022. Đỉnh điểm là vào tháng 6 năm 2022, khi hình ảnh Margot Robbie trong trang phục phong cách phương Tây với gam hồng nổi bật được tung ra, diện mạo của nữ diễn viên đã gây bão trên TikTok và làm tăng 416% lượt tìm kiếm về thời trang màu hồng. 

Những bộ trang phục của Margot Robbie trong bộ phim “Barbie” càng khiến xu hướng này trở nên mạnh mẽ hơn

Khi nói đến Barbiecore trong giới thời trang cao cấp thì không thể nào bỏ qua những show diễn đầy sắc hồng của Valentino, Pierpaolo Piccioli, Gucci và Jacquemus vào năm 2022. Tuy nhiên, ví dụ nổi bật nhất nhất về sức ảnh hưởng của Barbie trong thế giới thời trang có thể là bộ sưu tập Xuân/Hè 2015 của Moschino, tập trung vào biểu tượng Barbie. Có thấy thấy, rất nhiều thương hiệu thời trang lớn đã chịu ảnh hưởng không nhỏ từ làn sóng Barbiecore nói riêng và thương hiệu Barbie nói chung. Vậy điều gì đã làm nên sức hút bền vững của xu hướng này?

Đằng sau sự phổ biến của xu hướng “nhuộm hồng” Barbiecore

Hưởng lợi từ chiến lược marketing thành công của thương hiệu Barbie

Theo Tanya Lee Stone, tác giả cuốn sách “The Good, The Bad, and the Barbie: The History of a Doll and Her Impact on Us”, sức ảnh hưởng lâu dài của Barbie đối với ngành thời trang ngoài đời thực có thể xuất phát từ Ruth Handler, “mẹ đẻ” của nàng búp bê này. Nữ doanh nhân Handler là một người yêu thích thời trang và luôn theo đuổi xu hướng. Bà đã tạo ra Barbie khi nhận thấy rằng búp bê trẻ em và búp bê giấy đang chiếm ưu thế trên thị trường đồ chơi. Với Barbie, Handler tạo ra sản phẩm này để mang lại cơ hội thể hiện ước mơ tương lai cho các bé gái, thông qua việc thay đổi trang phục búp bê theo các ngành nghề khác nhau.

Những con búp bê đầu tiên được tạo ra bởi Margot Robbie

Đại diện tập đoàn Mattel chia sẻ: “Nhiệm vụ của Handler là để các cô gái có thể tự do tưởng tượng và thỏa sức mơ ước về việc trở thành bất cứ điều gì mà họ mong muốn, vào thời điểm mà phụ nữ phải chịu nhiều hạn chế. Bà muốn họ có thể trở thành nhà du hành vũ trụ và bác sĩ phẫu thuật. Ngoài ra, bà cũng rất yêu thích thời trang cao cấp”.

Tanya Lee Stone nhận định, xu hướng Barbiecore hiện tại và cả sức ảnh hưởng của nó với giới thời trang đều dựa vào một trong những yếu tố cốt lõi làm nên sự thành công của món đồ chơi này, chính là marketing. Mattel là một trong những công ty đầu tiên triển khai các chiến dịch tiếp thị hướng đến trẻ em thay vì phụ huynh. Họ đã phát sóng quảng cáo cho búp bê Barbie trong chương trình The Mickey Mouse Club vào cuối những năm 50. Chiến lược tiếp thị này không chỉ giúp món đồ chơi thành công vượt trội, mà còn đảm bảo rằng búp bê có một vị trí vững chắc và lâu dài trong văn hóa đại chúng, khi thế hệ trẻ lớn lên và trở thành người tiêu dùng trưởng thành. Một ví dụ điển hình cho sự thành công trong marketing của Mattel chính là sợi dây liên kết giữa búp bê và màu hồng. Trong khi búp bê Barbie phiên bản gốc không có chiến lược tiếp thị gắn liền với màu hồng, thì vào những năm 70, Mattel đã đẩy mạnh việc quảng cáo búp bê này đến các cô gái nhỏ thay vì trẻ vị thành niên, và sử dụng màu hồng như màu chủ đạo cho nhận diện thương hiệu. Tới thời điểm hiện tại, loại búp bê này luôn đi kèm với sắc hồng. Mattel thậm chí còn có một màu hồng được đăng ký bản quyền theo Pantone, được gọi là Barbie pink (219 C), một tông màu hồng đậm và rực rỡ.

Barbie đã gánh chịu kha khá lời chỉ trích, đặc biệt là trong vấn đề giới tính và sự đa dạng. Mặc dù Handler tuyên bố đã tạo ra Barbie nhằm tôn vinh sức mạnh của các cô gái trẻ, nhưng nàng búp bê này lại trở thành tâm điểm gây tranh cãi. Nhất là với giới nữ quyền, Barbie được coi là sản phẩm thúc đẩy những tiêu chuẩn về hình thể và vẻ đẹp không thực tế, hoặc những chuẩn mực giới tính kỳ quặc và lỗi thời. Nhưng, theo Tanya Lee Stone, những yếu tố gây tranh cãi cũng đã giúp Barbie duy trì độ thịnh hành của mình: “Barbie đôi khi là một con búp bê mà chúng ta vừa yêu lại vừa ghét, nhưng cô ấy có sức mạnh bền bỉ mỗi khi gợi lên những yếu tố gây tranh cãi”.

Barbie được thiết kế với nhiều trang phục theo từng ngành nghề khác nhau

Màu sắc tươi sáng mang đến cảm giác dễ chịu và an toàn

Emily Huggard, Trợ lý Giáo sư chuyên về truyền thông thời trang tại Trường Parsons School of Design cho biết, xu hướng Barbiecore đang trở nên phổ biến hơn nhờ vào tính chất vui nhộn, sự thoải mái và dễ chịu, điều mà người dùng đang tìm kiếm kể từ khi đại dịch Covid-19 đi qua. Cô nói: “Mọi người đang thực sự yêu thích những điều giúp họ được thoát khỏi hiện thực và cảm thấy an toàn. Xu hướng Barbiecore có màu hồng đẹp mắt và không quá phức tạp để hưởng ứng theo.”

Các chiến dịch quảng bá để chuẩn bị cho sự ra mắt của bộ phim “Barbie” cũng góp phần vào sự lan tỏa của xu hướng này. Chỉ còn khoảng một tháng nữa, nhân vật Barbie và Ken sẽ chính thức xuất hiện trên màn ảnh lớn, và tất cả mọi người đều đang mặc những trang phục màu hồng từ đầu đến chân. Điều này vô tình gợi nhớ đến bộ trang phục Barbie của diễn viên Margot Robbie. Trên TikTok, hashtag #Barbiecore đã thu về hơn 365 triệu lượt xem. Đồng thời, nhiều mối quan hệ hợp tác giữa thương hiệu Barbie với các hãng thời trang bình dân như Gap và Forever 21 cũng xuất hiện, cung cấp vô số quần áo và phụ kiện màu hồng trước thềm ra mắt của bộ phim.

Các ngôi sao Hollywood như Gemma Chan, Anne Hathaway hay Florence Pugh xuất hiện tại những sự kiện thảm đỏ với trang phục theo phong cách Barbiecore

Tính khả dụng về tài chính so với Quiet Luxury

Emily Huggard cho biết, sức hấp dẫn của Barbiecore còn nằm ở tính khả dụng về tài chính. Trong khi Mattel và búp bê Barbie bị chỉ trích vì khuyến khích tiêu chuẩn vẻ đẹp không thực tế, đặc biệt là về kích thước và chủng tộc, thì Barbiecore lại là xu hướng mà ai cũng có thể tham gia ở mức độ nào đó. Hồng đậm là một màu sắc quen thuộc trên các sản phẩm ở mọi mức giá. Đây là một xu hướng dễ tiếp cận hơn so với Quiet Luxury. Nếu phong cách tối giản và đắt tiền của Quiet Luxury dựa trên một sự tinh tế đến mức tinh vi, thì tất cả những gì Barbiecore cần chỉ là một màu hồng thời thượng, với chi phí dễ tiếp cận.

Màu hồng đậm liên tục xuất hiện tại các sự kiện như Met Gala và sàn diễn thời trang, giúp cho Barbiecore, thậm chí cả bộ phim “Barbie”, được tiếp thị ở nhiều cấp độ khác nhau trong ngành công nghiệp này.

Để lại một bình luận

%d bloggers like this: