“Độc thân” vì không nhà, không xe

Giới trẻ Hong Kong độc thân vì không nhà, không xe

Daniel Wang (29 tuổi) thấy mình không đủ khả năng kết hôn hay sinh con vì thu nhập dưới 20.000 HKD/tháng dù làm việc hơn 10 giờ/ngày.

Do công việc biên tập viên ở công ty truyền thông chiếm phần lớn thời gian và sức lực, Wang thường dành cuối tuần ở nhà nghỉ ngơi. Đã tốt nghiệp đại học và đi làm 6 năm, Wang vẫn sống chung với bố mẹ và em trai. Anh cho rằng thu nhập hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu cá nhân, chưa nói đến việc chu cấp cho gia đình hay mua nhà, mua xe.

“Đó là những điều xa xỉ đối với tôi. Độc thân cũng tốt mà. Đời tôi bớt phức tạp và có thể dành khoản tiết kiệm ít ỏi cho bản thân cũng như bố mẹ”

, anh nói thêm.

Theo số liệu Cục Điều tra dân số và Thống kê công bố hôm 28/7, năm 2021, ngày càng ít cư dân Hong Kong kết hôn hoặc sinh con. Tỷ lệ kết hôn thô (số cuộc hôn nhân trên 1.000 người) đạt mức thấp nhất trong 30 năm, chỉ 6,7 đối với nữ giới và 8,0 đối với nam giới. Phụ nữ và đàn ông đều kết hôn muộn hơn, tuổi kết hôn trung bình tăng lên 30,6 đối với nữ và 32,2 đối với nam vào năm ngoái.

Bên cạnh đó, số lượng trẻ sơ sinh ghi nhận trong năm 2021 cũng đạt mức thấp kỷ lục trong vòng 30 năm. Năm 2016, Hong Kong ghi nhận 60.856 trẻ mới sinh. Con số này giảm còn 36.953 trẻ trong năm 2021. Độ tuổi trung bình của phụ nữ khi sinh con đầu lòng cũng tăng lên 32,6 tuổi.

Các chuyên gia chỉ ra một phần nguyên nhân của số liệu đáng lo ngại này là đại dịch Covid-19. Thời gian giãn cách gây ra gánh nặng tài chính và hạn chế đi lại, làm gián đoạn kế hoạch kết hôn và sinh con của nhiều người. Đồng thời, họ cũng cảnh báo vấn đề này có thể kéo dài, ảnh hưởng đến xã hội và kinh tế Hong Kong trừ khi các nhà chức trách có động thái ngay lập tức.

“Tỷ lệ sinh giảm và việc trì hoãn độ tuổi kết hôn là xu hướng dài hạn ở Hong Kong”,

TS Xu Duoduo, PGS Xã hội học tại Đại học Hong Kong (HKU), nói.

Bà Xu nhận xét điều này phản ánh quá trình “chuyển đổi nhân khẩu học” ở Hong Kong và các nền kinh tế phát triển khác – nơi mọi người tập trung vào hạnh phúc cá nhân và nhiều phụ nữ học thức cao trì hoãn kết hôn, sinh con.

“Chi phí sinh hoạt, đặc biệt là giá nhà cao ngất ngưởng, khiến nhiều người không muốn lập gia đình”, bà nói thêm.

Ngày càng nhiều người chọn độc thân nên xu hướng này trở nên dễ chấp nhận hơn trong xã hội. GS Paul Yip Siu-fai, phó chủ nhiệm khoa Khoa học Xã hội tại HKU, cho biết hôn nhân không phải điều giới trẻ ưu tiên ngày nay. Ông nhận thấy thất nghiệp và bất ổn tài chính vì đại dịch khiến người dân không còn tự tin lập gia đình. Tỷ lệ sinh cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều cặp vợ chồng trẻ chọn di cư.

Trong khi đó, dữ liệu chỉ ra tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở Hong Kong, với tỷ lệ nghiêng về nữ. Tỷ số giới tính (số nam giới trên 1.000 nữ giới) giảm xuống 839 năm 2021, từ 852 vào năm 2016 và 876 vào năm 2011.

Ông Yip giải thích phụ nữ Hong Kong thường kết hôn với người bằng hoặc hơn mình về trình độ học vấn và thu nhập. Việc này hạn chế lựa chọn của họ, trong khi nam giới có nhiều cơ hội hơn. Ông cũng nhận định tốc độ già hóa nhanh chóng của dân số, khi tuổi thọ trung bình đã tăng lên 87,7 đối với phụ nữ và 83 đối với nam giới.

nguoi tre khong muon ket hon anh 3
Ngày càng nhiều đàn ông độc thân hơn

Ngoài ra, việc kết hôn và sinh con muộn có thể dẫn đến nhiều nguy cơ tài chính và xã hội, các vấn đề tiềm ẩn bao gồm sụt giảm nhân lực chất lượng cao và thiếu cam kết với công việc.

Ông Yip kêu gọi nhà chức trách giải quyết các vấn đề nhức nhối của giới trẻ, bao gồm tạo việc làm ổn định, điều chỉnh giá nhà ở để Hong Kong trở thành nơi đáng sống hơn.

“Họ nên giải quyết những vấn đề này trước nếu muốn cư dân suy nghĩ đến việc xây dựng gia đình – phần tử quan trọng của bất kỳ xã hội lành mạnh nào”, ông nói.

 Người trẻ Việt Nam cũng không ở ngoài xu hướng này

Ưa thích sự tự do, Hoàng Lan lựa chọn độc thân từ sớm và không vội vã kết hôn. Những năm tuổi trẻ độc lập đã đem đến cho cô một cuộc sống nhiều màu sắc.

“Lúc mình độc thân, mình có rất nhiều thời gian để trau dồi kiến thức, nhiều thú vui, cuộc sống sẽ vô cùng ý nghĩa. Mình còn dành nhiều thời gian cho gia đình. Khi mình không có chồng, có con, mình sẽ toàn tâm cho những gì mình thích. Mình chỉ ước 1 ngày có 48 tiếng thì tốt vì một phần lớn dành cho công việc và mình có quá nhiều thú vui” – chị Hoàng Lan, Hà Nội chia sẻ.

Với Hoàng Lan, mỗi ngày lại đem đến cho cô những trải nghiệm mới. Có khi là những chuyến du lịch lên rừng xuống biển, có khi là những chuyến đi thiện nguyện cùng bạn bè hay sống vài năm ở một vùng đất khác.

Độc lập, thành công và xinh đẹp, đó là những ấn tượng ngay khi gặp Phan Hoàng Thu – Hoa hậu Đông Nam Á năm 2013. Một ngày của cô trôi qua đầy bận bịu với những hoạt động nghệ thuật và cả kinh doanh, đầu tư. Trải qua một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, lựa chọn ly hôn, trở thành một single mom – mẹ đơn thân chưa bao giờ là điều hối tiếc với cô.

Cuộc sống bận bịu, thời gian được lấp đầy bởi những trải nghiệm, công việc để phát triển bản thân. Sống “cho mình” đôi khi khiến người trẻ tạm quên đi nhu cầu gắn kết tình cảm đôi lứa.

Xã hội hiện đại, người trẻ cũng có tư duy mở hơn trong xu hướng tình cảm, lựa chọn hạnh phúc cho bản thân. Chính vì vậy, suy nghĩ sống độc thân hay là độc thân “tạm thời” – cũng đã xuất hiện ở nhiều người trẻ. Thế nhưng, sẽ ra sao nếu như từ “tạm thời”, nhu cầu ấy trở thành “cả đời”?

Người trẻ tìm đến cuộc sống độc thân sau những biến cố tình cảm

Bước qua những trải nghiệm tình yêu không trọn vẹn, độc thân là lựa chọn hiện tại của cô gái trẻ này. Đây cũng như một cách để cô quên đi những biến cố tình cảm trong quá khứ.

“Thời điểm đó, bạn ấy không có nhiều tiền nên khi đi ăn, uống đa số em trả. Nhưng sau khi chia tay, bạn ấy lại kể với những người yêu sau là em là người đào mỏ khiến em có suy nghĩ là dù mình có làm gì nhưng khi người ta muốn tâng bốc bản thân lên thì cũng có thể dìm mình xuống. Chính vì câu chuyện với người yêu cũ đó nên em cảm thấy cuộc sống độc thân hiện tại tốt hơn” – chị Q.T., (Hà Nội) nói.

Không trải qua những biến cố lớn như Q.T., hai bạn trẻ ‘gen Z’ Hữu Bách và Ngọc Nhi lại lựa chọn cuộc sống độc thân để tự tìm cho mình những khoảng trống riêng sau những mối tình kéo dài, hay đơn giản như một cách để họ tận hưởng một cuộc sống mới.

Anh Trịnh Hữu Bách, Hà Nội nói: “Giữa việc có người yêu và không có người yêu, em cảm thấy không có người yêu, em có thể làm những thứ bản thân mình thích, sống thoải mái hơn, không bị ép buộc hay gò bó”.

Chị Trần Ngọc Nhi, Hà Nội cho hay: “Trong khoảng thời gian độc thân, em phải đấu tranh rất nhiều, đã có lúc cố gắng đi tìm một ai đấy nhưng lại nhận ra có vẻ bản thân mình không quá cần điều đó mà mình cần tận hưởng cuộc sống của mình hơn. Mình không còn phải tập trung vào một người mà có thể san sẻ sự quan tâm đến nhiều người khác”.

Tuy nhiên, tư tưởng độc thân dù là “tạm thời” đang dần hình thành này sẽ kéo theo không ít vấn đề đáng lo ngại.

Theo ThS. Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Tâm lý – Giáo dục: “Khi người trẻ có xu hướng độc thân hay kết hôn muộn sẽ dẫn đến những ảnh hưởng về sức khỏe sinh sản. Tiếp theo là tình trạng dân số già hóa đi, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội. Làm sao để tạo nên một cộng đồng tạo nên sự gắn kết, những giá trị của gia đình rất có ý nghĩa. Có những niềm vui về việc thuộc về ai đó, ở bên ai đó. Nói về góc độ của giáo dục tiền hôn nhân, bây giờ đang ở góc nhìn là bế tắc, sao thấy khó khăn thế nhưng có những cách giải quyết tốt hơn nhiều”.

Những giải pháp giúp người trẻ mở lòng, vượt qua những rào cản tâm lý là cần thiết. Bởi từ “tạm thời” đến “lâu dài” sẽ gây nên những thách thức trong tương lai cho chính cuộc sống của họ.

Để lại một bình luận

%d bloggers like this: