Vietnam Airlines muốn hủy nhận máy bay mới, hãng khác chớp thời cơ mở rộng mạng bay
Vietnam Airlines đang cố gắng để hủy nhận 4 máy bay Boeing B787 và Airbus A320 do trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nợ đầm đìa. Trong khi đó, Vietjet, Vietravel Airlines vươn mình mở rộng mạng bay và dự định nhận thêm máy bay, tăng tần suất.
Vietnam Airlines đang đàm phán để hủy nhận 4 máy bay Boeing B787 và Airbus A320 do tình hình kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn – Ảnh: CÔNG TRUNG
Trở lại sau 2 năm dịch COVID-19, việc kinh doanh của các hãng bay Việt đang có nhiều thay đổi, có hãng đang lấy lại phong độ, nhưng cũng có hãng vẫn chìm đắm trong khó khăn, thậm chí đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục vì kinh doanh lỗ.
Vietnam Airlines bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục vì nợ
Hãng Vietnam Airlines vừa công bố báo cáo tài chính bán niên 2022 đã được Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam soát xét.
Lần này, thông tin đang được chú ý khi Deloitte chỉ ra đến hết ngày 30-6, khoản nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines đã vượt quá tài sản ngắn hạn, với số tiền là 36.425 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu hãng hàng không quốc gia âm 4.897 tỉ đồng. Các khoản phải trả quá hạn vượt 14.850 tỉ đồng. Trong kỳ, hãng cũng ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ 5.237 tỉ đồng.
“Khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê” – phía Deloitte cho biết.
Theo đơn vị kiểm toán, những điều kiện này cùng với khoản nợ trên 36.425 tỉ đồng vượt quá tài sản ngắn hạn cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn, có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục của hãng.
Trong khi đó, hãng bay tư nhân Vietjet của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vừa công bố báo cáo tài chính bán niên 2022 sau kiểm toán, cho thấy doanh thu vận tải hàng không của hãng đạt 14.898 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 80,33 tỉ đồng, lần lượt tăng 197% và 135% so với cùng kỳ 2021 và tăng so với báo cáo tự lập và so với cùng kỳ 2021.
Với kết quả kinh doanh hợp nhất, báo cáo ghi nhận doanh thu đạt 15.934,6 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 145 tỉ đồng, lần lượt tăng 111% và 19% so với cùng kỳ 2021.
Hãng bay tranh thủ tăng thêm máy bay, mở rộng thị phần
Trải qua cao điểm Tết Nguyên đán, cao điểm hè và dịp lễ 2-9, theo các chuyên gia hàng không, dòng tiền đã trở lại với các hãng mạnh mẽ hơn, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng, bào mòn lợi nhuận của các hãng.
Nỗ lực tái cơ cấu, tối ưu chi phí của các hãng bay để cải thiện dòng tiền, giảm lỗ trong thời gian qua có hãng thành công báo lãi, nhưng có nơi vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.
Bamboo Airways – hãng bay 4 năm tuổi – đang trong giai đoạn “thay máu” sau khi cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết vướng lao lý. Nhà đầu tư mới đã tham gia “thâu tóm” nhưng “sức khỏe tài chính” của hãng này vẫn đang khiến nhiều đối tác lo ngại. Tiền nợ đối tác như dịch vụ mặt đất, suất ăn, xăng dầu, thậm chí tiền thuê máy bay… đang là khó khăn trực tiếp với hãng trong việc đảm bảo duy trì hoạt động khai thác ổn định.
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ Online mới đây, ông Doãn Hữu Đoàn – phó tổng giám đốc thường trực Bamboo Airways – cho biết hãng đang trong quá trình tái cấu trúc, về mặt tài chính cũng như tài sản nguồn vốn đang được đẩy mạnh phương án trả nợ.
“Các nghĩa vụ về thanh toán là mối quan tâm hàng đầu của nhà cung cấp đối tác ngân hàng, đối tác của doanh nghiệp. Với Bamboo Airways, chúng tôi ưu tiên sắp xếp trả nợ trong mọi giai đoạn” – ông Đoàn nói.
Với Vietravel Airlines của doanh nhân Nguyễn Quốc Kỳ, hãng này đang có 3 máy bay và đang có kế hoạch mở rộng đội tàu bay lên 5 chiếc trong vài tháng tới. Thị trường quốc tế và nội địa phục hồi, tân binh này đang trong giai đoạn phục hồi sức khỏe, và có nhiều kế hoạch phát triển với chiến lược khác biệt kết hợp hàng không – du lịch vốn là thế mạnh của công ty mẹ là Vietravel.
Để đối phó với khó khăn hiện tại, Vietnam Airlines cho hay đã ký hợp đồng vay và được giải ngân 4.000 tỉ đồng, thời hạn trả nợ có thể kéo dài đến năm 2024.
Ngoài ra, công ty đang đàm phán thêm với các ngân hàng để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh.
Đến giữa năm, tổng hạn mức Vietnam Airlines đã ký với các nhà băng khoảng hơn 18.500 tỉ đồng, trong đó phần chưa sử dụng khoảng 10.300 tỉ.
Đáng chú ý, Vietnam Airlines cũng đang tìm kiếm các nguồn thu khác gồm thanh lý máy bay, động cơ máy bay và các khoản đầu tư tài chính.
Hiện tại, hãng đã bán được 1 máy bay, bán quyền mua và thuê lại 1 động cơ máy bay, thanh lý khoản đầu tư vào Cambodia Air và thu về một phần số tiền hơn 860 tỉ đồng.
Hãng bay này cũng đàm phán để hủy nhận 4 máy bay Boeing B787 và Airbus A320. 5 máy bay mới cũng đang được thỏa thuận để nhận vào cuối năm 2022, 2023 thay vì 2020, 2021 như thỏa thuận ban đầu.
Hãng bay Vietjet lại đang có kế hoạch nhận thêm máy bay thân rộng Airbus A330 vào giữa tháng 9-2022, nâng tổng số máy bay thân rộng của hãng lên 3 chiếc. Dự kiến đến cuối năm 2022, hãng bay này khai thác 78 chiếc (bao gồm Airbus A321 và A330).
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không nội địa tại các nước sẽ phục hồi 93% trong năm 2022, riêng thị trường nội địa Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 96% và phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023.
Cùng với việc mở cửa trở lại nhiều đường bay quốc tế, các hãng bay Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển của ngành hàng không, sự hồi phục và phát triển sau đại dịch của kinh tế các địa phương và kinh tế đất nước.