Vì sao người Hà Nội “đổ xô” đi làm hộ chiếu mới?

Theo Thượng tá Ngô Thị Huyền Tâm – Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh – Công an TP Hà Nội, từ đầu tháng 7, người dân hiểu nhầm hộ chiếu cũ không còn sử dụng được nên vội vàng đi làm hộ chiếu mới.

Khó khăn nộp hồ sơ online

Công việc quá bận khiến anh Nguyễn Ngọc Tú (Lĩnh Nam, Hà Nội) không thể sắp xếp thời gian đi làm hộ chiếu. Anh Tú đã thử nộp hồ sơ online qua cổng dịch vụ công quốc gia nhưng loay hoay hồi lâu vẫn không thể hoàn thành.

Ngay tại bước đầu tiên là tạo tài khoản trên website anh Tú đã gặp không ít vướng mắc. Theo đó, khi truy cập vào website của cổng dịch vụ công quốc gia, anh Tú gặp nhiều khó khăn khi tạo mật khẩu cho tài khoản.

“Người trẻ tiếp cận công nghệ nhanh cũng phải loay hoay một lúc mới có thể tạo được mật khẩu, do hệ thống yêu cầu một số quy định chưa rõ ràng. Trong đó, hệ thống yêu cầu người nhập mật khẩu phải có ký tự đặc biệt nhưng lại không quy định các ký tự đặc biệt có thể dùng khiến người dân mất nhiều thời gian thử mật khẩu”, anh Tú nói. 

Lỗi ảnh không đúng kích thước (Ảnh: Thế Hưng).

Sau khi tạo được tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia, anh Tú bấm nộp hồ sơ trực tuyến. Các thông tin cá nhân đã được khai sẵn khi cập nhật căn cước công dân (CCCD) nhưng anh Tú không thể tải ảnh chân dung lên hệ thống. Theo đó, anh Tú chỉnh sửa kích thước ảnh nhiều lần nhưng vẫn chưa được hệ thống chấp nhận.

“Hệ thống yêu cầu tôi chỉnh sửa kích thước ảnh, màu nền, độ nghiêng đầu, tỷ lệ khuôn mặt. Tôi đã chỉnh sửa nhiều lần nhưng vẫn không thể đưa ảnh vào hồ sơ”, anh Tú nói và cho biết phải đi chụp lại ảnh, nhờ thợ ảnh chỉnh sửa nhiều lần để phù hợp yêu cầu.

Một số người dân phản ánh, lỗi “số CCCD trên ảnh không trùng hợp với tài khoản đã đăng nhập”.

Chị Trịnh Huyền My (ở Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết làm lại thao tác nhập thông tin hàng chục lần cũng không thể hoàn thành hồ sơ. “Sau hơn một tiếng đồng hồ khai hồ sơ online, tôi đã phải xin nghỉ làm để ra nộp hồ sơ xin cấp hộ chiếu vì số CCCD trên ảnh không trùng với tài khoản đăng nhập”, chị My cho hay.

Theo chị My, việc nộp hồ sơ trực tiếp còn mất nhiều thời gian hơn do người dân đến làm hồ sơ rất đông. Nhiều người đến muộn phải nhận phiếu để tới làm thủ tục vào ngày hôm sau.

Vì sao người dân ùn ùn kéo đi làm hộ chiếu?

Thượng tá Ngô Thị Huyền Tâm – Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh – Công an TP Hà Nội – cho biết, từ đầu tháng 7, người dân hiểu nhầm hộ chiếu cũ không còn sử dụng được nên vội vàng đi làm hộ chiếu mới. Ngoài ra, tháng 6 có sự tạm dừng cấp mẫu đợt mới nên người dân có nhu cầu cũng đi làm nhiều hơn.

Do nhu cầu của người dân đang vào cao điểm, Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh khuyến cáo người dân nên đăng sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Bởi người dân sẽ không phải đến trực tiếp trụ sở cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, giảm thiểu được thời gian đi lại, thời gian chờ đợi nộp hồ sơ, nhận kết quả…

Người dân có thể kết nối qua máy tính, điện thoại, máy tính bảng bất cứ thời gian nào trong ngày và tại bất kì đâu. Hồ sơ được số hóa cũng giảm áp lực giấy tờ lên cơ quan Nhà nước, giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp với cán bộ. Từ đó hạn chế tiêu cực, phiền hà và tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính. Người dân cần đọc kỹ các hướng dẫn để nộp hồ sơ trực tuyến.

Nhu cầu làm hộ chiếu của người dân Hà Nội rất cao (Ảnh: Thế Hưng).

Về nguyên nhân người dân không nộp được hồ sơ trực tuyến, đại diện Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh giải thích: “Lỗi CCCD xuất phát từ nhiều yếu tố. Một trong những nguyên nhân là do người dân chưa định danh điện tử ở phường. Ngoài ra, lỗi trên có thể xuất hiện do cập nhật dữ liệu người dân chưa chính xác. Một số trường hợp cụ thể cần phải kiểm tra để xác minh”.

Trung bình, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh – Công an TP Hà Nội tiếp nhận trên 1.000 hồ sơ mỗi ngày. Đầu tháng 7, lượng hồ sơ tới đăng ký mỗi ngày lên tới 1.600-1.700 bộ. Tính riêng từ ngày 1/7 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 1.435 hồ sơ trực tuyến mức độ 4 và 19.161 hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông mức độ 3.

Theo Thượng tá Ngô Thị Huyền Tâm, lượng hồ sơ sẽ giảm sau khi kỳ nghỉ hè kết thúc, bởi khi đó người dân không còn nhu cầu đưa gia đình đi du lịch nước ngoài.

Để lại một bình luận

%d bloggers like this: