VÌ SAO CHÚNG TA GỌI TÊN CÁC THẾ HỆ
Các nhà báo không phải là những người duy nhất tham gia cuộc đua đặt tên cho thế hệ. Về lý thuyết, nhiều nhà quảng cáo đặt tên thế hệ để tiếp cận tốt hơn đến khách hàng. “Trong nghiên cứu thị trường, các nhà tiếp thị và các thương hiệu thích dán nhãn để mô tả con người”, Carmichael nói, “điều này giúp họ với khách hàng và nói về khách hàng”.
Trong một bài xã luận trên tờ Advertising Age (Thời đại Quảng cáo) năm 1993, thuật ngữ Thế hệ Y được dùng để miêu tả thế hệ Millennial của ngày nay. Đến năm 2005, người ta mới biết những phân tích trên về Gen Y là sai lầm. “Chúng ta đang nói về một nhóm người nhưng với hai cách nhìn khác nhau” – Howe cho biết, “Thế hệ Y miêu tả một phiên bản cực đoan của Thế hệ X nhưng chúng tôi bảo rằng “Không, họ không như vậy”. Nếu bạn nhìn vào những số liệu thống kê ở đây, họ không hề thích rủi ro”.
Vào năm 2012, tờ Advertising Age chấp nhận mình đã sai. “Thế hệ Y chỉ là một từ miêu tả tạm thời cho đến khi chúng tôi hiểu thêm về thế hệ đó” – Carmichael cho biết. “Millennial chưa chắc đã là một cái tên hay hơn, nhưng tôi nghĩ nó ít nhất cho bạn biết rằng ở đâu đó có một bước ngoặt – có điều gì đó khác biệt diễn ra đối với thế hệ này và họ đang sống trong một thời đại cũng nhiều bước ngoặc không kém”.
Một vấn đề mà những nhà nghiên cứu thị trường phải đối mặt đó là không phải ai cũng đồng tình với những nhãn dán của họ. Erica Williams Simon, một nhà chiến lược truyền thông và tác động xã hội cho rằng: “Nhãn dãn hỗ trợ các công ty và các nhà truyền thông. Nhãn dán giúp những người không trẻ và không hiểu về người trẻ tiếp cận đối tượng này dễ dàng hơn, chứ không có tác dụng xác định danh tính của chúng ta. Nhãn dán không tác động quá nhiều đâu vì kinh nghiệm sống của riêng bạn mới là thứ định hình và định nghĩa con người bạn”. Cô cho biết thêm nhược điểm của các tên gọi đó là chúng tạo ra định kiến – ám chỉ đến việc các nghiên cứu về thế hệ Millennials đều bảo rằng họ bị ám ảnh bởi công nghệ và sống khá vị kỷ.