Ukraine nêu hai điều kiện đàm phán chấm dứt xung đột với Nga

Ukraine bác bỏ tuyên bố của cựu Thủ tướng Đức về giải pháp hòa bình với Nga sau khi hai nước đạt được thỏa thuận ngũ cốc.

Xe tăng của lực lượng Nga tại Donetsk, Ukraine (Ảnh: Reuters).

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine cho biết, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào được đàm phán với Moscow sẽ phụ thuộc vào lệnh ngừng bắn và việc rút quân của Nga.

“Nếu Moscow muốn đối thoại, điều đó phụ thuộc vào họ. Trước tiên là một lệnh ngừng bắn và rút quân, sau đó mới đến các cuộc đối thoại mang tính xây dựng”, ông Podolyak viết trên Twitter.

Ông Podolyak phủ nhận bình luận của cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, người vừa có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước.

“Tin tốt là Điện Kremlin muốn một giải pháp đối thoại. Thành công đầu tiên là thỏa thuận ngũ cốc, nó có thể dần mở đường cho thỏa thuận ngừng bắn”, ông Schroeder cho biết.

Cố vấn của Tổng thống Ukraine cho rằng ông Schroeder có tiếng nói ủng hộ Nga, đồng thời khẳng định thỏa thuận ngũ cốc sẽ không dẫn đến các cuộc đàm phán giữa hai nước.

Trong bài phát biểu vào tối 3/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đáp trả gay gắt về quan điểm đàm phán với Nga.

Thỏa thuận ngũ cốc mà ông Schroeder đề cập đến là thỏa thuận giữa Nga và Ukraine hồi cuối tháng 7 nhờ nỗ lực trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thỏa thuận này, các bên cam kết đảm bảo hành lang an toàn cho tàu chở ngũ cốc ra vào hai cảng của Ukraine, khôi phục hoạt động xuất khẩu ngũ cốc vốn bị gián đoạn hơn 5 tháng qua. 

Hôm 1/8, chuyến tàu chở ngũ cốc của Ukraine đã rời cảng Odessa lần đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra. Con tàu dự kiến đến eo biển thuộc vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó được kiểm tra ở Istanbul trước khi tiếp tục đến Lebanon.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder tại Diễn đàn Kinh tế St Petersburg năm 2012 (Ảnh: Sputnik).

Tuần trước, ông Schroeder đã đến Nga và gặp gỡ chủ nhân Điện Kremlin. Mục đích của chuyến đi được tin là nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng khí đốt hiện nay mà Đức và các nước châu Âu phải đối mặt khi Nga cắt giảm nguồn cung. Đức là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do Nga siết nguồn cung khí đốt để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây. 

Ông Schroeder là bạn của Tổng thống Putin và có quan điểm phản đối xung đột Nga – Ukraine. Ông từng lên tiếng ủng hộ một giải pháp ngoại giao về cuộc xung đột ở Ukraine và nhấn mạnh không có ý định từ bỏ khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Putin.

Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 7, ông Schroeder cho rằng cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua con đường ngoại giao. Ông cũng khẳng định đây là cách duy nhất để giảm tổn thất cho dân thường.

Cựu Thủ tướng Đức cũng chỉ trích việc phương Tây tập trung cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời cho biết ông không tin vào một giải pháp quân sự. Ông Schroeder nói rằng tất cả quốc gia, bao gồm “những quốc gia không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột”, nên “làm việc cùng nhau để tìm ra một giải pháp ngoại giao”.

Các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột Nga – Ukraine thông qua đàm phán cho đến nay vẫn rơi vào bế tắc khi hai bên không tìm được tiếng nói chung.

Nga tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass – nơi có hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk.

Tuy nhiên, giới chức Ukraine nhiều lần khẳng định không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ. Hồi đầu tháng 7, cố vấn của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak, đưa ra những điều kiện để đạt thỏa thuận hòa bình với Nga bao gồm: Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, công nhận quyền chủ quyền của Ukraine, trao trả tù binh và tuân thủ cơ chế bồi thường chiến tranh.

Theo Reuters

Để lại một bình luận

%d bloggers like this: