Thái Lan phát triển bộ xét nghiệm nhanh COVID-19

Các nhà khoa học Thái Lan đã phát triển một bộ xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và có kế hoạch đưa vào thử nghiệm lâm sàng vào tháng tới.

Theo nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Vidyasirimedhi (VISTEC), bộ xét nghiệm mới này cho kết quả trong vòng 30 – 45 phút, nhanh hơn nhiều so với thời gian yêu cầu hiện nay là 4 – 6 giờ. Các nhà nghiên cứu hy vọng các bộ xét nghiệm mới sẽ được sử dụng rộng rãi để có thể kiểm soát hiệu quả sự lây lan của dịch COVID-19. Dự kiến sẽ có 4.000 bộ xét nghiệm nhanh được sản xuất mỗi ngày và sẽ có giá thành khoảng 475 baht (14,71 USD) mỗi bộ.

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) đã khuyến cáo người dân không mua các bộ xét nghiệm COVID-19 bán trên mạng, bởi chưa có bộ xét nghiệm nào trong số đó được FDA chứng nhận. Theo Phó Tổng Thư ký FDA Surachoke Tangwiwat, khoảng 10 doanh nghiệp đã nộp đơn xin nhập khẩu các bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 từ Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và châu Âu, nhưng chưa có đơn nào được phê chuẩn. Ông Surachoke cũng cảnh báo người dân không nên tự sử dụng các bộ xét nghiệm và thay vào đó nên tìm kiếm sự giúp đỡ y tế nếu họ có các triệu chứng hoặc có nguy cơ lây nhiễm.

Trước tình trạng số lượng các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gia tăng trong những ngày qua, Chính phủ Thái Lan đã quyết định đóng cửa các trường học và các tụ điểm tập trung đông người như vũ trường, quán bar, rạp chiếu phim… tại thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận trong vòng hai tuần từ ngày 18/3, đồng thời hoãn tổ chức Tết cổ truyền Songkran nhằm hạn chế sự lây lan của dịch.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Thái Lan cần áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn như phong tỏa đất nước nếu chính phủ vẫn muốn kiềm chế được dịch COVID-19. Chủ tịch Liên đoàn các hiệp hội du lịch cấp tỉnh của Thái Lan (TFOPTA) Chamnan Srisawat nhận định chính phủ nên áp đặt chính sách phong tỏa càng sớm càng tốt, bởi kể cả khi chính phủ hoãn kỳ nghỉ dịp Tết cổ truyền Songkran, người dân địa phương vẫn có thể đi về quê. Tại một cuộc họp của các hiệp hội liên quan đến ngành du lịch, TFOPTA đang có kế hoạch đề xuất biện pháp phong tỏa và tìm kiếm sự đồng thuận từ những doanh nghiệp du lịch khác. TFOPTA có khoảng 10.000 thành viên trên Thái Lan, bao gồm các công ty lữ hành và khách sạn.

Cùng chung ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội các công ty lữ hành Thái Lan (ATTA) Vichit Prakobgosol cho rằng việc phong tỏa toàn quốc để làm chậm lại tốc độ lây nhiễm là cần thiết trước khi tình hình vượt ra ngoài kiểm soát. Theo ông Vichit, trong khi Thái Lan đang ở giai đoạn hai, rất nhiều nước đã đóng cửa biên giới. Từ tháng 1 đến ngày 10/3 vừa qua, số lượng du khách sử dụng các dịch vụ của những công ty thành viên ATTA đã giảm 53%, xuống còn 544.506 lượt khách. Việc đóng cửa biên giới sẽ cho phép Thái Lan nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và nằm trong số những nước đầu tiên sẵn sàng cho sự hồi phục.

Thái Lan ngày 18/3 đã ghi nhận thêm 35 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên 212 người.

Để lại một bình luận

%d bloggers like this: