Ông Nguyễn Thành Tài: ‘Nếu tôi chịu trách nhiệm thì người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm’
Sáng 7-10, phiên tòa xét xử vụ hoán đổi đất vàng liên quan đến bà Bạch Diệp và các cựu cán bộ UBND TP tiếp tục tranh luận. Ông Nguyễn Thành Tài cho rằng ông chỉ làm lợi cho Nhà nước, hơn nữa việc hoán đổi được người đứng đầu TP đồng ý.
Ông Nguyễn Thành Tài tại tòa – Ảnh: TUYẾT MAI
Tại tòa, ông Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) nói mẹ mình đã 95 tuổi, có bốn người con đi kháng chiến thì ba người hy sinh. Năm nay ông đã 70 tuổi, đã trải qua hành trình gian khổ đối mặt với cái chết trong thời kỳ kháng chiến.
“Trong suốt thời kỳ đó tôi chưa bao giờ bị nhận xét là thiếu trách nhiệm. Sau khi nghỉ hưu tôi vẫn tha thiết với mục đích, lý tưởng của mình nên thay vì nghỉ ngơi, vui thú điền viên thì tôi tiếp tục đi dạy. Dù ở tù nhưng tôi vẫn tự hào về con đường mình đã chọn. Tôi không kêu than, trách móc” – ông Tài nói.
Về vụ án này, ông Tài cho rằng ông không phải người gây ra hậu quả sau cùng. Khi trình nội dung dự thảo của Ban chỉ đạo 09 cho chủ tịch UBND TP.HCM thì chủ tịch UBND TP.HCM đồng ý. Việc hoán đổi này nhằm mục đích có lợi cho Nhà nước.
“Nếu tôi chịu trách nhiệm thì người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm. Tôi nghỉ hưu 2 năm thì việc hoán đổi mới hoàn thành, người kế thừa công việc của tôi (ông Nguyễn Hữu Tín) dẫn tới quyết định hoán đổi phải chịu trách nhiệm” – ông Tài nói.
Luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Thành Tài cho rằng ông Tài đã báo cáo ông Lê Hoàng Quân, nguyên chủ tịch UBND TP.HCM – trưởng Ban chỉ đạo 09, về đề nghị của Công ty Diệp Bạch Dương hoán đổi tài sản.
Ông Quân đã thừa nhận: “Qua xem xét thấy việc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM đang khó khăn về điều kiện, cơ sở vật chất… nên đã đồng ý với ông Tài cho hoán đổi và giao ông Tài thực hiện”. Ban chỉ đạo 09 đã ba lần có văn bản chính thức đề nghị thực hiện hoán đổi.
Theo luật sư, nếu Ban chỉ đạo 09 không cho hoán đổi hay việc hoán đổi là sai thì không cơ quan nào ở TP.HCM có thể làm ngược lại. Cho đến khi ông Tài nghỉ hưu, việc hoán đổi tài sản vẫn chưa thực hiện xong và chưa gây thiệt hại.
Nói lời sau cùng, bà Dương Thị Bạch Diệp cho rằng mình bị oan, bị hãm hại.
“Tôi không còn hy vọng được sống với con cháu đến cuối đời, chỉ muốn được gặp cha tôi lần cuối. Tôi chỉ muốn làm lợi cho Nhà nước. Tôi xin gửi lời cảm ơn tới ba tôi. Ba ơi, con không phạm tội này, ba hiểu cho con” – bà Diệp nói.