Ông Biden: Nguy cơ ngày tận thế hạt nhân đang cao nhất trong 60 năm

Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo nguy cơ thế giới phải đối mặt với kịch bản ngày tận thế hạt nhân đang cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP).

Trong bài phát biểu tại một sự kiện gây quỹ của đảng Dân chủ hôm 6/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nguy cơ xảy ra “ngày tận thế” vì vũ khí hạt nhân đang ở mức cao chưa từng có kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Phát biểu của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Putin tháng trước cáo buộc cáo buộc phương Tây “tống tiền hạt nhân” Nga. Ông Putin cảnh báo, Nga có nhiều vũ khí để đáp trả mối đe dọa từ phương Tây và đây không phải là tuyên bố nhằm hù dọa.

“Nếu toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa, chúng ta sẽ dùng mọi biện pháp sẵn có để bảo vệ Nga và người dân – đây không phải là lời hù dọa”, ông Putin nói, ám chỉ việc sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân để phòng vệ.

Tổng thống Biden cho biết ông hiểu khá rõ về ông Putin và tin rằng nhà lãnh đạo Nga “không nói đùa” khi đề cập với kịch bản đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.

 “Chúng ta chưa từng đối mặt với viễn cảnh ngày tận thế kể từ thời (cựu Tổng thống Mỹ) John Kennedy và cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba”, ông Biden phát biểu, cho rằng những cảnh báo của ông Putin có khả năng thành sự thật.

Theo ông Biden, hiệu quả tác chiến của quân đội Nga đang suy giảm ở Ukraine, trong bối cảnh Kiev thời gian qua đã đẩy mạnh chiến dịch phản công và giành lại một số khu vực quan trọng ở miền Đông và miền Nam.

Theo AP, trong thời gian qua, giới chức Mỹ nhiều lần cảnh báo Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi gặp hàng loạt bất lợi trên chiến trường. Mặc dù vậy, Mỹ tuần này cũng thừa nhận họ chưa thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ông Biden cảnh báo rằng, việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát và dẫn tới kết cục “ngày tận thế”.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuần trước nói rằng, Mỹ đã nêu rõ quan điểm với Nga về hậu quả của việc sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở nước láng giềng từ hôm 24/2, giới chức Nga nhiều lần đề cập tới học thuyết hạt nhân của nước này, trong đó nêu rõ những điều kiện cho phép Moscow được quyền sử dụng vũ khí hạt nhân.

Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của nước này hoặc nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường.

Mặc dù vậy, cả Nga và Mỹ đều khẳng định cuộc chiến hạt nhân là không thể thắng và không bao giờ nên xảy ra.

Hồi tháng 8, Tổng thống Vladimir Putin từng khẳng định, Nga tin rằng không có người chiến thắng trong một cuộc chiến hạt nhân và kịch bản này không bao giờ được nổ ra. Ông Putin nhấn mạnh Nga luôn tuân thủ tinh thần và nội dung của Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT).

Theo AP

Để lại một bình luận

%d bloggers like this: