Lo tiếp tục đứt nguồn cung xăng dầu

Một cây xăng tạm ngưng “để nhập xăng dầu” trên tuyến quốc lộ 1 (TP.HCM) – Ảnh: CÔNG TRIỆU

Kỳ điều hành giá xăng dầu chiều hôm qua 5-9, lùi lại bốn ngày do vướng nghỉ lễ, khiến giá xăng dầu trong nước “lỡ nhịp” so với giá thế giới.

Giá dầu tăng, giá xăng giảm

Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh muộn hơn trong khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm mạnh, dẫn đến giá bán trong nước có hiện tượng “đảo chiều”. Giá xăng RON92 giảm 366 đồng/lít, về mức 23.359 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 439 đồng/lít, về 24.230 đồng/lít. Trong khi đó, các loại dầu đều tăng mạnh, dầu diesel tăng 1.429 đồng/lít lên 25.188 đồng/lít, dầu hỏa tăng 1.389 đồng/lít lên 25.445 đồng/lít. Riêng dầu mazut 180CST 3.5S giảm 471 đồng/kg, về giá 16.077 đồng/kg.

Việc điều chỉnh giá ngày 5-9 chậm hơn bốn ngày khiến giới kinh doanh xăng dầu gặp không ít khó khăn về nguồn cung và chịu thua lỗ do chiết khấu thấp. Đáng chú ý, thay vì tăng giá so với dự báo của kỳ điều hành ngày 1-9, việc giá xăng giảm và giá dầu tăng gần 1.500 đồng/lít như trên khiến giới kinh doanh đã khó lại càng thêm khó.

Một thương nhân phân phối xăng dầu tại miền Bắc cho hay sau kỳ điều hành này mức chiết khấu vẫn chưa có nhiều cải thiện. Đặc biệt với mặt hàng xăng vẫn duy trì chiết khấu là 0 đồng và dầu là từ 250 – 350 đồng/lít tùy vào đầu mối cấp hàng.

Trong khi đó, một thương nhân đầu mối phía Nam cho hay các đại lý, thương nhân phân phối vẫn đang thăm dò thị trường, chưa nhập thêm hàng. Tâm lý thị trường sau kỳ điều chỉnh là muốn chờ đầu mối nào đưa ra mức chiết khấu mới nhập hàng vào, cộng thêm thời gian điều chỉnh giá trong kỳ tới dự kiến vào ngày 12-9, tức là còn sáu ngày nữa, nên doanh nghiệp cũng muốn kéo dài thêm để nhập được nguồn với giá tốt nhất.

“Thị trường vẫn đang ở trạng thái nhìn nhau để chào hàng, do giá điều chỉnh quá thấp. Nhiều đại lý của các thương nhân phân phối vẫn chào giá, cũng có nơi chào với mức chiết khấu là 500 đồng/lít với dầu và xăng là 300 đồng/lít, nhưng thực ra chào giá để giữ khách hàng, chứ chúng tôi gọi đến thì hàng chưa có ngay để cấp”, vị này cho hay.

Nhân viên cửa hàng Tuyền Khanh (quận Bình Tân, TP.HCM) liên tục vẫy tay báo hết xăng mỗi khi có khách rà xe vào cửa hàng – Ảnh: CÔNG TRIỆU

Thêm năm doanh nghiệp đầu mối bị rút giấy phép

Trong bối cảnh đó, chánh thanh tra Bộ Công Thương đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với năm doanh nghiệp đầu mối gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu và Công ty cổ phần dầu khí Đông Phương.

Năm doanh nghiệp này cũng bị tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu như bảy doanh nghiệp đã bị xử phạt trước đó, nâng tổng số doanh nghiệp bị tạm ngừng kinh doanh lên con số 12. 

Một đại diện có thẩm quyền xác nhận với Tuổi Trẻ việc tước giấy phép với năm doanh nghiệp này là kết quả của hoạt động thanh tra với 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được Bộ Công Thương thực hiện từ hồi tháng 2-2022. Trong đó việc tước giấy phép là hình thức xử phạt bổ sung của quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Quyết định đã được gửi theo đường bưu điện nhưng ghi nhận đến chiều 5-9, Bộ Công Thương chưa cập nhật thông tin về việc xử phạt và tước giấy phép các doanh nghiệp trên trang Công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu. 

Một thương nhân phân phối phía Nam cho hay việc rút giấy phép của các doanh nghiệp nếu như không được thông tin rộng rãi, có thể khiến cho các hệ thống bên dưới là thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý trực thuộc hoặc mua nguồn từ các đầu mối này bị đứt nguồn.

Trong khi đó, việc tìm nguồn cung thay thế trong bối cảnh cung cầu xăng dầu bất ổn như hiện nay sẽ càng khó khăn hơn và khó có thể tìm được nguồn hàng thay thế. Thực tế này có thể càng khiến thị trường có nguy cơ đổ vỡ hơn, đặc biệt là ở phía Nam khi tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ đang diễn ra trên diện rộng.

“Việc rút giấy phép mà không công bố, trong khi những đơn vị này sẽ có một lượng hàng nhất định vì đã nhập hàng vào rồi, có thể tạo nên góc khuất. Nếu các đơn vị này không tuân thủ đúng quy định về việc tạm dừng hoạt động thì vẫn có thể đẩy hàng ra, trong khi các doanh nghiệp khác không biết được những doanh nghiệp này bị rút giấy phép. 

Thực tế này cũng đã diễn ra ở vụ rút giấy phép với bảy đầu mối trước đó, nhiều doanh nghiệp mua hàng từ các đơn vị này phải gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương để hỏi thông tin”, một doanh nghiệp bày tỏ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho biết doanh nghiệp này vừa mới nghe thông tin sẽ bị tước giấy phép tạm thời, song chưa nhận được văn bản chính thức. Theo vị này, nếu bị tước giấy phép tạm thời và phải ngưng kinh doanh thì hệ thống này sẽ rất khó khăn vì lượng xăng dầu mà doanh nghiệp này cung cấp cho thị trường phía Nam, đặc biệt là TP.HCM và các tỉnh lân cận rất lớn. 

“Nếu ngừng kinh doanh sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường bởi không chỉ doanh nghiệp chúng tôi mà bốn doanh nghiệp còn lại cũng có thị phần lớn ở khu vực phía Nam”, vị lãnh đạo này cho biết.

Người dân đỗ xăng trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TPHCM sau điều chỉnh giá chiều 5-9 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người dân đổ xăng trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM sau điều chỉnh giá chiều 5-9 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Saigon Petro “cầu cứu” Thủ tướng

Ngày 5-9, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) đã có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét dừng quyết định tước giấy phép để công ty không bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như giữ ổn định thị trường và bảo tồn vốn.

Saigon Petro cho biết nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu tối thiểu “10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp, tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân”.

Tuy nhiên, năm 2021 công ty không có tổng đại lý và đại lý bán lẻ mà có 73 thương nhân nhượng quyền bán lẻ, vì vậy đoàn thanh tra Bộ Công Thương đã kết luận công ty có hành vi vi phạm hành chính “không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định”.

Saigon Petro cho rằng hai hình thức đại lý bán lẻ và nhượng quyền bán lẻ là tương đương nhau, đều nằm trong hệ thống phân phối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đầu mối. Nghị định 95 (sửa đổi nghị định 83, có hiệu lực từ 2022 – PV) có quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu với một trong những điều kiện là “tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân”. 

“Như vậy đến thời điểm hiện tại, Saigon Petro đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định”, văn bản của Saigon Petro nêu.

Văn bản của Saigon Petro cũng liệt kê hàng loạt hậu quả khi Thanh tra Bộ Công Thương tước giấy phép của công ty, trong đó hệ thống phân phối của Saigon Petro bị mất nguồn cung trên 50.000m³/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể sẽ phải đóng cửa. Theo Saigon Petro, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả tiêu cực tới hoạt động kinh tế – xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp.

Để lại một bình luận

%d bloggers like this: