Karil: “Tất cả người tôi từng yêu, tôi đều nhớ hết”
Rapper Karik: “Nhiều người không thích rapper 33 tuổi vẫn còn xem hoạt hình như tôi”
(Dân trí) – “Ai đưa ra mặc định rapper là phải có hình xăm, lúc nào cũng phải tỏ vẻ ngầu, tỏ vẻ lạnh lùng?” – Karik từng chia sẻ trên trang cá nhân. Còn ngoài đời, chàng rapper này là người như thế nào?
Tôi nghe nhạc của Karik từ thời anh còn hoạt động underground cách đây hơn 10 năm. Quả thực, chàng rapper này là một trường hợp khá thú vị: 33 tuổi nhưng vẫn thích xem phim hoạt hình, thích tạo dáng đáng yêu khi chụp ảnh. Thế nhưng, đó cũng là người đã đối diện với căn bệnh rối loạn lưỡng cực suốt 12 năm qua, người bị gắn mác “bad boy” (trai hư) nhưng cũng từng bị bỏ rơi vì… nghèo.
Bề ngoài, Karik có vẻ nội tâm và ít nói nhưng trong cuộc trò chuyện với Dân trí, nam rapper không ngại chia sẻ cảm xúc, nỗi cô đơn, không ngại thừa nhận “tôi không phù hợp làm nghệ sĩ”, “tôi đã lỗi thời”… Ở đỉnh cao sự nghiệp, anh chàng này đã nghĩ về một tương lai khi không còn làm nhạc, không còn đứng trên sân khấu nữa.
Như chính những bản rap có ca từ đậm chất tự sự, Karik có cách nhìn nhận cuộc sống và tình yêu đầy sâu sắc, khác hẳn những gì người ta thường gán cho anh.
“Tất cả người tôi từng yêu, tôi đều nhớ hết”
Nhắc đến Karik là nhắc đến những bản rap về tình yêu. Thời trẻ khi chưa kiếm ra tiền, Karik hẹn hò như thế nào?
– Dù là thời trẻ hay bây giờ khi đã khá hơn, tôi không bao giờ để bạn gái phải trả tiền cho mình. Ngày xưa, nhà tôi còn làm ăn được, một tuần mẹ cho tôi 500.000 đồng tiêu vặt. Đi chơi với bạn gái mà thiếu tiền, tôi thường mượn bạn rồi trả lại sau. Là đàn ông mà để con gái trả tiền khi hẹn hò thì kỳ lắm. Tôi cũng không để ý để gia cảnh người ta, không mong là họ phải giàu có hay gia thế “khủng”. Tôi không cần những thứ đó.
Trước nay, chuyện tình cảm của Karik thường khá ồn ào. Karik có bao giờ khổ vì tình?
– Có chứ (cười). Tôi tự thấy cái số yêu đương của mình chẳng đi đến đâu. Nhưng có lẽ khổ hay không, cũng do mình. Mình mong cầu nhiều quá, kỳ vọng vào một người nhiều quá. Hoặc khoảng thời gian đó, gặp được người yêu thật sự, nhưng mình chỉ lo kiếm tiền, không có thời gian dành cho họ, thì cũng tự thấy áy náy.
Karik có từng đưa những đau khổ, cay đắng trong chuyện tình yêu của mình vào sáng tác?
– Tôi có một bí mật chưa từng kể với ai về cảm hứng sáng tác nhạc buồn. Đó là, tôi thường ghi nhớ những khoảnh khắc trong hành trình yêu đương của mình, có thể là ánh mắt của một người, hoặc cảm giác mình đã đau như thế nào, đã hạnh phúc ra sao… Những điều đó đọng lại trong tâm trí tôi. Mỗi lần muốn sáng tác, tôi hồi tưởng lại để sử dụng.
Trải qua nhiều mối tình, có bóng hình nào Karik không thể quên?
– Tất cả người từng yêu, tôi đều nhớ hết. Mỗi người sẽ cho tôi một cảm xúc tại thời điểm đó, cho tôi những kỷ niệm hay sự trưởng thành sau những bài học, nên tôi nhớ hết. Tôi nhớ tên từng người, nhớ nét mặt từng người, không quên một ai.
Một bài hát của Karik mà tôi rất thích có đoạn “vì vài dòng chữ mà ngậm ngùi rơi nước mắt ngay giữa biển người” (bài “Lần cuối” – PV). Lời bài hát này có kể câu chuyện thật nào của bản thân?
– Có chứ. Có lần, cô ấy nhắn cho tôi: “Em biết mình rất thương nhau, cần nhau nhưng vì khoảng cách địa lý xa xôi, những lúc em cần anh thì anh không ở đây. Chúng ta cứ sống như thế này thì bao giờ cảm xúc mới trọn vẹn?”.
Tôi nhận ra mình không thể ích kỷ mãi được. Yêu xa, người ta gặp chuyện gì, cũng chỉ có thể nhắn tin hoặc khóc trước màn hình video call với mình, chứ mình không thể ở bên cạnh chăm sóc. Yêu xa, tôi có thể chia sẻ được tiền bạc, hoặc những lời động viên. Nhưng họ cần những điều thực tế, cần một người kế bên. Đó là lúc tôi thấy bất lực và cả 2 dừng lại một cách êm đẹp.
Karik từng bị phản bội trong tình yêu?
– Tôi trải qua đầy đủ mọi cảm xúc, cung bậc trong tình yêu. Làm việc có lỗi với người ta cũng có, người ta có lỗi với tôi cũng có, đến việc cả 2 ở bên nhau nhưng không trân trọng nhau cũng có. Hoặc ở ngoài kia, có những người có cảm xúc với mình nhưng tôi lại không trả lời họ mà lại chạy theo người không trân trọng mình.
Có những khoảnh khắc, trải nghiệm trong tình yêu mà tôi nhìn lại để hiểu hơn về bản thân. Tôi nghĩ đó là những chuyện bắt buộc phải xảy ra trong cuộc đời, kiểu như ý trời vậy đó (cười).
Vì sao Karik chọn chủ đề “bóc phốt người yêu cũ sau chia tay” trong ca khúc “Có chơi có chịu”?
– Tôi muốn viết một bài về tình yêu mà vẫn pha trộn những chủ đề xã hội. Tôi cũng có tham vọng muốn thay đổi cách nhìn của mọi người về Karik trong 2 năm gần đây.
Người ta thường nghĩ rằng Karik chỉ sáng tác nhạc buồn, thất tình. Tôi muốn gửi tín hiệu đến mọi người là Karik sẽ bắt đầu thay đổi sang hình ảnh “bad boy” hơn. Thật ra mỗi nghệ sĩ có cách khai thác hình tượng này khác nhau. Ví dụ như Binz đi theo hướng “dân chơi”, còn tôi thì “bad” (tệ – PV) ở cái tôi cá nhân.
Một số fan nhạc rap thường so sánh con đường, phong cách âm nhạc của Karik và Binz. Karik nghĩ sao?
– Hành trình của tôi bắt đầu sớm hơn Binz và tôi thấy hành trình âm nhạc mỗi người khác nhau. Nghệ sĩ thường có cái tôi rất lớn, còn fan so sánh là việc của fan.
“Người ta đồn tôi yêu… đàn ông”
Tình yêu quan trọng với Karik như thế nào?
– 90% cuộc sống hằng ngày của tôi là ngồi trong phòng, trước màn hình vi tính. Những thú vui ngoài kia, nói thật là chơi hoài cũng chán chứ. Tôi chỉ đi uống cocktail, đi ăn, thi thoảng đi club rồi lại về nhà. Ở nhà thấy an toàn hơn.
Tôi hay buồn và cảm thấy cô đơn, nên cần một người bạn để sẻ chia. Tôi muốn khi tôi gọi, người đó sẽ luôn bắt máy, sẽ làm cuộc sống của tôi thú vị hơn. Mẹ tôi cũng muốn tôi đi ra ngoài gặp gỡ người này người kia.
Nhưng tình yêu là con dao hai lưỡi, có thể nâng cảm xúc, giúp mình hạnh phúc thì cũng có thể “đạp mình xuống đáy vực”. Trải qua một quá trình yêu đương, bây giờ, tôi thấy có cũng được mà không có cũng không sao (cười).
Có nghĩa là sau những đau khổ trong tình yêu, Karik đã mất niềm tin?
– Ngày xưa, chúng ta không có nhiều phương tiện để nói chuyện, gặp gỡ nhau nên rất quý trọng những mối quan hệ. Như thời ông bà, cha mẹ tôi, họ chỉ hẹn gặp nhau bằng thư từ thôi mà vui biết bao nhiêu. Còn bây giờ, mọi thứ đầy đủ, chúng ta dễ dàng gặp gỡ, nhưng cũng vì thế mà xem nhẹ, không biết trân trọng những kỷ niệm, những mối quan hệ.
Thời đại phát triển càng nhanh, những giá trị cuộc sống lại càng dễ bị bào mòn. Nhiều người vừa chia tay là đã có người mới rất nhanh. Nên tôi tự nhủ: “Thôi, không yêu cũng không sao. Mình có một ngôi nhà và một người mẹ tuyệt vời, có thể làm những điều mình thích, có đầu óc minh mẫn để sáng tác, có những người bạn nữa. Thế là đủ rồi!”.
Thật ra con người ta dù nói không cần tình yêu nữa, nhưng vẫn vô thức tìm kiếm một hình mẫu nào đó?
– Chuyện tình yêu tùy vào duyên số. Tôi cũng không có gu bạn gái cụ thể. Hồi bé thích mấy người nhỏ nhắn để dễ bảo vệ, che chở cho họ, còn giờ thì không có hình mẫu nào hết. Vì cứ đặt ra hình mẫu nào đó, là sẽ chỉ gặp những người trái ngược thôi (cười).
Sống một mình và đối diện với nỗi cô đơn, Karik ổn không?
– Tôi thích điều đó (cười). Nhưng tôi luôn là người mâu thuẫn trong cảm xúc. Thích một mình, nhưng cũng sợ một mình. Câu này đúng với tôi hiện tại và có lẽ cả sau này.
Tôi tận hưởng cuộc sống độc thân, nhưng nếu có ai đó thì họ phải là người an toàn, đừng mang những điều thị phi, độc hại đến cho tôi là được!
Nhìn lại bản thân, Karik nhận ra điều gì?
– Khi đối diện với chính mình, tôi thường tự hỏi: “Này, điều gì khiến cho mày hạnh phúc?”.
Sau quá trình hoạt động, tôi gần như đã có tất cả điều mình từng mong muốn, nên bây giờ chỉ muốn bình yên thôi. Ngày xưa, tôi thường nghe ông bà mình nhắc hai chữ bình yên nhưng lúc đó tôi không hiểu, cho tới khi có được mọi thứ.
Khi xã hội ngày càng phát triển thì kể cả đóng cửa ở trong phòng, mình cũng có thể bị công kích. Tôi không làm gì cũng bị người này, người kia nói, chửi bới trên mạng xã hội. Tôi cảm thấy nghề này cho tôi nhiều thứ, nhưng cũng lấy đi của tôi sự tự do. Tôi phải tìm cách xoay sở với cảm xúc, bởi tôi rất dễ bị tổn thương bởi lời nói của người khác.
Ví dụ, tôi bỏ chất xám sáng tác nhưng tác phẩm của tôi lại bị nói giống bài này, bài kia. Tôi cũng thử nghe, nhưng có thấy giống chỗ nào đâu? Nghĩ lại, người ta đâu dựa vào kiến thức chuyên môn để nhận xét như vậy, nên tôi việc gì phải buồn? Tôi hay buồn những chuyện vớ vẩn như vậy lắm. Nên bây giờ tôi chỉ muốn sống một cách âm thầm, nhẹ nhàng.
Nếu có tin đồn không đúng, Karik phản ứng thế nào?
– Tin đồn à, nhiều lắm! Sống trong nghề này, tôi quen rồi. Có những tin đồn mắc cười lắm, ví dụ như Karik đang yêu đàn ông (cười). Mà người ta nghĩ vậy cũng… đúng thôi vì bề ngoài nhìn tôi có vẻ khá giống người trong giới LGBT, nhất là những lúc mặc áo lụa (cười).
Khi bị đồn như vậy, tôi thấy buồn cười thôi vì những người thân thiết xung quanh sẽ biết tôi như thế nào. Còn những tin đồn quá đáng, đụng chạm danh dự gia đình tôi, thì tất nhiên tôi sẽ phản ứng mạnh.
“Tôi không thích hợp làm nghệ sĩ mà chỉ vì miếng cơm manh áo”
Tôi biết đến Karik từ thời Karik còn hoạt động trong giới underground. Mọi thứ với anh bắt đầu như thế nào?
– Tôi đi lên từ con số 0 đúng nghĩa. Tôi biết mỗi thứ một chút, từ quản lý khách sạn đến thiết kế website, vũ công… nhưng lại không giỏi đặc biệt mảng nào nên rất khó xin việc. Một lần, tôi vô tình bị chấn thương khi đang nhảy, đó là lúc rẽ hướng sang làm… rapper.
Vì sao lại là rap?
– Ngày bé tôi rất thích rap. Tôi tập tành học rap, lại còn rap giọng Bắc nữa (cười). Thời đầu, tôi đơn giản chỉ là muốn làm nhạc, muốn mọi người nghe nhạc của mình. Cho đến năm 2012, tôi thắng giải MTV Vietnam. Đó là cột mốc thay đổi sự nghiệp.
Khi nhận giải thưởng đó (Karik là rapper Việt Nam đầu tiên nhận giải của MTV Vietnam – PV), tôi muốn nói với các anh em underground là tôi làm được rồi! Nhưng tôi cũng nhận ra từ underground sang showbiz sẽ có những thay đổi, những điều khác biệt. Rapper phải uyển chuyển hơn chứ không phải “rap chất”, rap cho đã cái tôi như trước được. Đó là lúc anh em quay lưng với tôi, khiến tôi bị mất luôn lửa làm nghề.
Thời điểm ấy cũng là lúc gia đình tôi phá sản. Tôi còn bị lừa mất 300 triệu đồng tiền thưởng thắng giải MTV Vietnam. Tôi nghĩ: “Chết rồi, đời mình xong rồi!”. Nhưng có một người bạn bên Mỹ nói với tôi rằng “thôi anh em mình cùng ráng”. Nhờ câu nói đó, tôi tiếp tục bước đi. Mình còn cái đầu mà, cứ viết nhạc rồi từ từ mọi thứ cũng đi lên.
Karik có quan trọng thứ hạng, thành tích?
– Gu của khán giả bây giờ rất lạ, thay đổi liên tục. Ban đầu tôi cũng kỳ vọng, nhưng sau tôi thấy không quá quan trọng chuyện xếp hạng nữa.
Bạn bè cũng hay nói tôi rằng, những lúc tôi không tâm huyết lắm, thì lại thành công. Ví dụ như bài “Anh không đòi quà”. Lúc đó tôi không muốn làm nhưng khi phát hành lại đạt hiệu ứng hơn mong đợi, đúng kiểu tỉnh dậy sau một đêm bỗng nhiên thấy ai cũng nói về bài này.
Karik ít nói, hay hoài niệm quá khứ, nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi lời nói của người khác. Những điểm này có vẻ sẽ “khó sống” trong môi trường showbiz?
– Thú thật, tôi không phải là người phù hợp làm nghệ thuật, nhưng vì miếng cơm manh áo mà thôi! Để sống với đam mê của mình, tôi phải kìm nén những cảm xúc cá nhân. Các nghệ sĩ khác thường tương tác trên mạng xã hội, nhưng fanpage của tôi thì hầu hết do các bạn nhân viên quản lý, còn những chia sẻ mang tính cá nhân thì ít lắm.
Nghệ sĩ thường phải tươi cười trước đám đông, “diễn” trước ống kính và cố tỏ ra “mình ổn”. Một người sống nội tâm như Karik có thấy mệt mỏi vì điều đó?
– Nhiều lúc tôi rất mệt, bác sĩ khuyên nghỉ ngơi, nhưng hợp đồng đã ký, fan thì đứng chờ mình diễn, làm sao tôi bỏ ngang được? Mệt là chuyện của mình, không chăm sóc được sức khỏe là chuyện của mình, đã là nghệ sĩ thì phải có ý thức. Còn khán giả đã bỏ công bỏ sức, bỏ tiền mua vé đến xem tôi diễn, thậm chí có người đến từ các tỉnh xa xôi, tìm gặp tôi xin chụp hình, làm sao mà tôi từ chối? Làm sao tôi không thể vì họ mà nở nụ cười?
“Nếu có ai đó nói xấu mẹ tôi, thì có lẽ họ có vấn đề… thần kinh”
Karik từng tiết lộ phải đối mặt với căn bệnh rối loạn lưỡng cực suốt 12 năm qua. Vì sao bạn lại giấu điều đó lâu như vậy?
– Thật ra, chính tôi cũng không hiểu. Có thể nghĩ đó là một vấn đề sức khỏe tâm thần. Có những lúc, bản thân tôi thay đổi đột ngột trong tích tắc, thậm chí muốn đánh người khác luôn…
Chuyện gì đã xảy ra khiến Karik nhìn cuộc sống một cách tiêu cực?
– Ví dụ, có thời điểm, tôi cãi nhau với một đồng nghiệp về chuyện tiền bạc. Lúc đó tôi nghĩ, tại sao tình bạn lại “rẻ” như vậy? Tại sao chữ nghệ sĩ “rẻ” như vậy? Tôi không muốn làm nghệ sĩ nữa, không muốn gặp những người như vậy nữa.
Trong giới, tôi ít bạn lắm. Có những người giành nhau vị trí diễn trước, diễn sau. Tại sao phải làm như vậy khi diễn trước hay sau thì cũng được hát, khán giả vẫn ở đó cơ mà? Tại sao vì chuyện đó mà cạch mặt, nói xấu nhau?
Va vấp trong nghề, chứng kiến những mặt trái của showbiz, bây giờ Karik đã bớt “tin người” hơn chưa?
– Tôi dựa vào trực giác, quan sát mọi người, ví dụ như ánh mắt, cách nói chuyện của họ. Nếu họ giả là tôi biết ngay. Một số người tiếp cận tôi, làm thân với tôi nhưng vài ngày sau, y như rằng là nhắn tin nhờ vả, chứ không phải họ đến với mình vì tình bạn.
Tôi thích và sẵn sàng làm bạn với những người không tên tuổi. Bởi vì họ mang lại cho tôi năng lượng tích cực để từ đó, tôi làm được nhiều thứ hơn.
Vậy người mà Karik tin tưởng nhất là ai?
– Chính là mẹ tôi. Tôi thấy đời này may mắn vì có mẹ. Mẹ là người tâm lý, chu đáo. Khi bạn tôi ghé nhà chơi, mẹ thường hỏi tụi con ăn gì để mẹ nấu. Nếu thấy bạn tôi buồn, mẹ cũng sẽ ngỏ lời tâm sự. Bất cứ người bạn nào của tôi qua nhà chơi, cũng đều xem mẹ tôi như mẹ ruột. Nếu có ai đó nói xấu mẹ tôi, thì có lẽ họ có vấn đề… thần kinh (cười).
Mẹ đã hỗ trợ Karik như thế nào trong thời gian điều trị tâm lý?
– Gần đây, tôi thường nói với mẹ là mẹ đừng động viên con nữa vì khi lớn, con hiểu mọi chuyện rồi. Con cần ngủ, con cần một mình, cần thời gian cho nỗi buồn lắng xuống. Mẹ càng nói, con càng rối.
Nghe tôi tâm sự, mẹ hiểu và im lặng, chuyển sang quan tâm âm thầm, ví dụ như nhắn tin bảo mẹ để đồ ăn dưới nhà hoặc đi chợ mua cái này cái kia cho tôi thôi.
Karik có gặp khó khăn khi chữa bệnh?
– Tôi đi gặp bác sĩ tâm lý. Những buổi tư vấn điều trị đó như những cuộc nói chuyện bình thường thôi. Họ như những người bạn, hỏi về cách mình ứng xử, giao tiếp với mọi người mỗi ngày, hỏi về tuổi thơ của tôi. Nhưng có một điều mà tôi nhận thấy, đó là tôi không nên lạm dụng thuốc điều trị. Uống thuốc khiến tôi bị run tay, thỉnh thoảng lại bần thần. Mỗi lần uống thuốc xong, tôi chỉ ráng vui được một mức độ nào đó thôi.
Tôi nghĩ muốn thế giới hiểu mình, thì bản thân phải hiểu chính mình trước? “Đứa trẻ bên trong” của Karik có vẻ như vẫn dễ bị tổn thương?
– Để hiểu chính mình, đó là một hành trình dài. Người ta hay trách mọi người xung quanh không hiểu mình, nhưng làm sao hiểu được khi chính họ còn không hiểu bản thân?
Tôi rất dễ tổn thương, nhưng bây giờ tôi nhận ra được những thứ làm mình buồn và biết cách né nó ra. Hoặc đôi khi, tôi chấp nhận nhìn thẳng vào cảm xúc tiêu cực, nhận ra đó là điều hiển nhiên trong cuộc sống.
Một cuốn sách mà Karik thấy phản ánh đúng với con người của mình nhất?
– “Muốn an được an”, cuốn sách này đã chỉ đường dẫn lối cho tôi, giúp tôi nhìn nhận ra nhiều vấn đề để sống mà không nặng lòng.
Khi nghĩ về những gì mà người khác từng chửi bới, trách móc mình, tôi đọc cuốn sách này và hiểu rằng rồi chúng ta cũng sẽ chết đi, những gì chúng ta nói với nhau cũng trôi vào hư không. Bạn có chắc sẽ ghét tôi đến hết cuộc đời?
“Wowy bây giờ sống tích cực hơn, nhưng… nói nhiều quá!”
Mối quan hệ giữa Karik và Wowy – đôi bạn thân một thời – giờ ra sao?
– Dạo này chúng tôi bớt gặp nhau rồi. Không hiểu vì sao bây giờ tôi thấy Wy (Wowy – PV) khác lắm. Chúng tôi đã đi cùng nhau một quãng thời gian khá dài. Trước đây, tôi rất ngưỡng mộ Wy vì thấy Wy rất điềm tĩnh, thấy Wy trên mình một bậc.
Đồng ý là bây giờ Wy sống tích cực hơn, nhưng vấn đề là Wy… nói nhiều quá! Có lần, tôi nói: “Wy ơi, ít chia sẻ lại được không! Ngày nào cũng đăng bài Facebook, tôi không đọc không được!”.
Tôi nghĩ nên bớt lại, vì trong cuộc sống của mình có những vấn đề mà không phải ai cũng hiểu được. Chuyện bạn buồn, bạn khổ như thế nào, chỉ có những người lo cho bạn mới hiểu. Còn những kẻ ghét bạn sẽ chỉ cười vào mặt bạn thôi. Sau này, tôi không muốn chia sẻ nhiều lên mạng xã hội cũng là vì vậy.
Karik làm nhạc là để thỏa mãn đam mê, hay còn vì những mục tiêu, tham vọng. Chẳng hạn như khẳng định vị trí trong giới, chứng tỏ thực lực?
– Ngày xưa, tôi cũng từng mong muốn, kiểu như trong một lớp học, thấy bạn nào giỏi thì phấn đấu học theo bạn đó. Giờ thì tôi không xem ai là đối thủ. Vì tôi chỉ có mục tiêu muốn sống được với nghề, muốn kiếm được khoản thu nhập để lo cho mọi người. Vậy là đủ rồi.
Còn chuyện tranh đua, khẳng định vị trí thì tôi nghĩ sau chừng ấy năm vào nghề, tôi cũng đủ chứng minh cho mọi người thấy rồi.
Karik nghĩ mình đã bước qua đỉnh cao chưa hay vẫn còn những “ngọn núi” khác cần chinh phục?
– Tôi còn một ngọn núi nữa cần chinh phục, đó cũng mục tiêu cuối cùng của tôi trong đời nghệ sĩ: Một concert và một bộ phim tư liệu về cuộc đời.
Có thể do tôi nghĩ quá nhiều nhưng tôi sợ một lúc nào đó mình không đủ minh mẫn viết nhạc. Khi đó, tôi muốn nghe lại những bài nhạc ngày xưa và thấy tự hào. Tổng số bài hát của tôi đã viết là hơn 118 bài, nhưng những bài tâm đắc rất ít. Tôi muốn số bài hát ưng ý phải vượt qua 50 bài, để sau này về già có cái mà nghe, để cho con cháu còn biết tới.
Nếu không hát nữa, Karik làm gì?
– Tôi kinh doanh, ngoài ra tôi cũng có ước mơ mở công ty dạy về âm nhạc. Tôi nghĩ trời phú cho mình một tầm nhìn phù hợp với công việc hướng dẫn, đào tạo và khai thác tài năng của các bạn trẻ.
Đang ở đỉnh cao sự nghiệp nhưng Karik đã lập kế hoạch rất cụ thể cho tương lai?
– Đúng. Nhiều lúc tôi mệt mỏi, cảm thấy không được sống đúng với con người của mình. Ví dụ, tôi rất mê hoạt hình, đến giờ vẫn thích. Nhưng mọi người không chấp nhận được đàn ông 33 tuổi thích xem hoạt hình. Hoặc, tôi cũng thích chụp hình, tạo biểu cảm kiểu dễ thương. Đó là con người thật của tôi.
Mọi người thường nghĩ rapper là phải “ngầu”, “bụi bặm”?
– Các rapper khác thường không chấp nhận một rapper thích phim hoạt hình như vậy (cười). Nhưng trên đời này, ai cấm? Đừng để tâm những thứ đó vì bước ra sân khấu, chúng ta dùng cái đầu và tư duy để nói chuyện với nhau.
Đó cũng là lý do mà ở “Rap Việt” mùa 2, tôi rất vui. Gặp lại những bạn từng chửi tôi trên mạng tại chương trình, tôi vẫn fairplay (“chơi đẹp” – PV) và cho các bạn lời góp ý chân thành. Tuy nhiên, tôi sẽ đáp trả bằng cách hướng dẫn cho thí sinh đội mình đối đầu với họ như thể đó như lần cuối cùng tôi được ngồi trên chiếc ghế đó vậy (mà đúng là lần cuối thật – Karik).
Dù gì thì mọi chuyện cũng xong rồi, sau chương trình nhiều mối hiếm khích đã được giải quyết. Tôi cũng thấy hạnh phúc khi được cống hiến một phần trong cột mốc đáng nhớ về nhạc rap ở Việt Nam. Phần còn lại là ở thế hệ trẻ…
Cảm ơn Karik vì cuộc trò chuyện này!
Nội dung: Bích Phương
Video: Phương Nhi, Ngà Trịnh
Ảnh: Hải Long