“Đi hát đám ma, đám cưới còn hơn… đi dạy”
Đó là so sánh chát đắng của một vị quản lý tại TPHCM khi nói về khó khăn trong tuyển dụng giáo viên hiện nay.
Ông thông tin, địa bàn mình phụ trách đang thiếu giáo viên ở nhiều môn, thiếu nhiều nhất ở các môn đặc thù như tin học, Anh văn, mỹ thuật, âm nhạc…
Theo ông, thực tế hiện nay là chẳng mấy ai có bằng đại học mỹ thuật, tin học, âm nhạc, ngoại ngữ ra trường lại vào dạy ở các trường tiểu học. Kể cả tuyển trung cấp cũng không dễ chứ chưa nói bậc đại học.
“Nhiều em học sư phạm âm nhạc ra nhưng không đi dạy. Nhiều em lập nhóm đi hát đám cưới, đám ma tháng vài ba buổi còn hơn vào dạy các trường.
Thu nhập cao hơn, nhàn, không phải soạn bài, không phải họp hành, không phải làm chủ nhiệm, phụ trách, không phải làm việc với phụ huynh, có nhiều thời gian để làm việc khác…”, vị quản lý chia sẻ với PV Dân trí .
Ông lo ngại cứ tình trạng này chỉ khoảng 3 năm nữa sẽ rất khó có giáo viên âm nhạc trong trường học.
Ông từng kiến nghị tuyển trung cấp thanh nhạc, tin học rồi bồi dưỡng thêm đưa vào dạy nhưng việc đó lại sai Luật giáo dục. Luật yêu cầu giáo viên tiểu học phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên.
Nói về mức lương giáo viên, ông cho biết mình đi dạy, làm công tác quản lý có thâm niên hàng chục năm nhưng lương chính thức chưa đến 9 triệu đồng, thêm phụ cấp chức vụ khoảng 1,9 triệu, tổng thu nhập 11 triệu đồng/tháng. Còn viên mới ra trường, thu nhập chỉ khoảng 4 triệu đồng.
So sánh “thà đi hát đám ma, đám cưới” với công việc đi dạy không phải là lần đầu được nhắc đến. Một trường phòng GD-ĐT tại một quận ở TPHCM từng rầu rĩ kể nhiều giáo viên mầm non mới ra trường đi làm vài tháng là chào tạm biệt: “Thà đi bán hàng ở siêu thị còn hơn”, hay so sánh thấp hơn lương công nhân, phụ hồ…
Liên kết, tăng tiết, thỉnh giảng…
Tích cực tuyển dụng nhưng hiện tại, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, TPHCM cho biết quận vẫn đang thiếu khoảng 300 giáo viên ở các bậc học.
“Đợt rồi chúng tôi tuyển được gần 170 giáo viên nhưng số giáo viên nghỉ việc cũng gần một nửa số mới vào. Thiếu nhiều, thiếu ở các bậc, thiếu ở nhiều môn”, ông Tuyên cho hay.
Thiếu giáo viên nên tại quận có tình trạng một số trường có phòng ốc, trang thiết bị nhưng không có người dạy. Các trường khắc phục theo cách giáo viên dạy tăng tiết, thỉnh giảng, hợp đồng các giáo viên về hưu…
Tại Trường THCS Lạc Hồng, quận 10, TPHCM, ông Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng nhà trường cho biết hiện tại trường vẫn thiếu giáo viên tiếng Anh, phải sử dụng giáo viên thỉnh giảng.
Ông Phạm Ngọc Hiền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, quận 11, TPHCM thông tin, trường được trang bị cơ sở vật chất rất khang trang, có phòng vi tính 40 máy để các em học nhưng hai năm qua tuyển liên tục vẫn tìm không ra giáo viên Tin học.
Nhà trường khắc phục bằng thỉnh giảng nhưng rất khó khăn vì phụ thuộc vào thời gian, hiện vẫn chờ tuyển được giáo viên chính thức.
Có nhiều lý do nhưng nguyên nhân hàng đầu, theo quản lý các trường học vẫn xuất phát từ mức lương giáo viên quá thấp. Trong khi, cử nhân trong các lĩnh vực ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật… có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp khác với thu nhập cao.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục tiểu học TPHCM, lương giáo viên tiếng Anh hiện nay còn thấp, giáo viên mới ra trường có mức lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, trong khi số tiền dạy nghĩa vụ cao với 23 tiết/tuần. Điều này dẫn đến việc khó tuyển giáo viên hoặc giữ chân giáo viên giỏi, có kinh nghiệm.
Nhắc đến vấn đề lương giáo viên, ông Ngô Văn Tuyên thở dài: “Chuyện này nói hoài, nói mãi rồi. Lương thấp không phải chỉ là chuyện giáo viên bỏ việc mà bây giờ người ta còn không đăng ký ứng tuyển”.
Năm học này TPHCM tăng gần 22.000 học sinh ở tất cả các bậc học. Nhu cầu của thành phố cần tuyển thêm hơn 5.200 giáo viên từ mầm non đến THPT. Hiện tại các quận huyện vẫn tiếp tục quá trình tuyển dụng nhưng đều gặp tình trạng khó tuyển giáo viên, đặc biệt là các môn đặc thù.
Trong buổi họp báo về các vấn đề kinh tế xã hội TPHCM mới đây, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ thành phố thiếu nhiều giáo viên tiếng Anh và tin học. Sau khi đào tạo, thông thường giáo viên sẽ lựa chọn đi làm bên ngoài thay vì đi dạy.
Về giải pháp đối với việc thiếu giáo viên tiếng Anh và tin học, ông Minh cho hay Sở GD-ĐT TPHCM hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong việc liên kết, chia sẻ giáo viên thỉnh giảng, ký hợp đồng ngắn hạn để thực hiện nhiệm vụ…
Sở cũng sẽ tổ chức nhiều đợt tuyển dụng viên chức, nhất là đối với hai môn tiếng Anh, tin học, đặt hàng giáo viên theo từng khu vực.