Cuộc chiến “350 tỷ” giành Bản quyền World Cup 2022 với đối tác nước ngoài
Bản quyền World Cup 2022 ở Châu Á thuộc sở hữu đơn vị nào
Dù World Cup 2022 diễn ra vào cuối năm nay nhưng thời điểm này vấn đề bản quyền truyền hình đã rất nóng. Đây là sự kiện nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đơn vị truyền hình Việt Nam, và trong suốt một thời gian dài nhiều năm qua đã xảy ra tình trạng chạy đua độc quyền, khiến giá bản quyền phi mã.
Còn nhớ ở kỳ World Cup 2018, đến sát ngày thi đấu một đài truyền hình quốc gia Việt Nam mới mua được bản quyền phát sóng các trận đấu, sau khi được một doanh nghiệp tài trợ.
Trước đó, từ tháng 10/2016, công ty Infront Sports & Media có trụ sở tại Singapore đã được FIFA giao quyền phân phối bản quyền World Cup 2018 tại khu vực châu Á. Đơn vị này liên hệ với các đài Việt Nam để giới thiệu bán bản quyền World Cup 2018.
Bản quyền truyền hình World Cup 2022 tăng giá phi mã
Công ty Infront Sports & Media có trụ sở tại Thụy Sĩ đang sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 ở Indonesia và 25 quốc gia khác tại khu vực châu Á. Theo đó, đối tác này đòi mức giá là 15 triệu USD (khoảng 350 tỷ đồng) với gói bản quyền truyền hình và radio, bao gồm độc quyền truyền hình (mặt đất, cáp, vệ tinh, IVTV) và không độc quyền phát thanh trên lãnh thổ Việt Nam; quyền truyền phát trên di động và internet (bao gồm OTT).
So với World Cup 2018, giá bản quyền truyền hình của kỳ World Cup năm nay tăng khoảng 3-4 triệu USD. Việc giá bản quyền truyền hình World Cup tăng, thậm chí phi mã sau 4 năm là dễ hiểu. Tuy nhiên, trong 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc mua bản quyền với giá trên thực sự là bài toán khó với các đài, kể cả doanh nghiệp lớn.
Hiện tại, ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Indonesia thì Brunei, Campuchia, Malaysia và Philippines cũng đã có bản quyền truyền hình World Cup 2022.
350 tỷ là mức giá khiến bất cứ nhà đài nào tại Việt Nam cũng phải lắc đầu, bởi không một hình thức quảng cáo hay kinh doanh nào có thể thu lại được vốn. Tuy nhiên, nếu sự kiện bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh 4 năm mới có một lần không được phát sóng, cũng là điều mà các đơn vị truyền hình Việt Nam trăn trở.
Phương án “chung vốn” đầu tư
Lãnh đạo một đài truyền hình lớn tại Việt Nam cho biết, trong vấn đề đàm phán, vướng mắc lớn nhất chính là giá cả. Giá cả từ phía Infront Sports & Media đưa ra là quá cao so với khả năng tài chính tất cả các đơn vị truyền hình. Vấn đề mức giá khiến các nhà đài Việt Nam “choáng váng”, bởi nếu bỏ ra số tiền 350 tỷ đồng, thì việc thu lại bằng quảng cáo là hoàn toàn không thể.
Quan điểm của các đài là nỗ lực mua bản quyền phát sóng World Cup 2018 để phục vụ người dân cả nước, tuy nhiên, không mua bằng mọi giá, mà chỉ mua với mức giá phù hợp nhất. Vì vậy, một phương án được các nhà đài đưa ra là cùng nhau “chung vốn”, hợp tác cùng mua bản quyền World Cup 2022, thay vì độc quyền như những kỳ World Cup trước. Dĩ nhiên, quyền lợi của mỗi đài sẽ tùy thuộc vào số tiền mà họ bỏ ra.
Liên minh đàm phán mua bản quyền World Cup 2022
Trước mắt các đơn vị truyền hình của Việt Nam đã thiết lập một “liên minh” để có những phương án phù hợp nhất đàm phán với đối tác. Liên minh này hiện gồm 5 bên. Dĩ nhiên, trong đó có những doanh nghiệp “cỡ bự” mới có thể theo đuổi được thương vụ mua bản quyền World Cup lần này.
Người trong cuộc sẽ cùng những “ăn chia” và nhận quyền lợi tuỳ vào mức đóng góp của mỗi bên. Nói một cách dễ hiểu, với “miếng bánh” bản quyền World Cup 2022 có giá 350 tỷ, mỗi đơn vị sẽ chi ra vài chục đến trăm tỷ tuỳ vào nhu cầu khai thác.
“Nếu không có doanh nghiệp vào cuộc, chắc chắn không nhà đài nào ở Việt Nam mua nổi bản quyền World Cup 2022. Ngược lại, doanh nghiệp cũng rất cần những đài lớn để quảng bá. Nhưng ngay cả khi có doanh nghiệp, thì cuộc đàm phán vẫn diễn ra rất căng thẳng, vì thế Ban đàm phán luôn cần sự hợp tác trên tinh thần cùng có lợi và hướng tới mục đích phục vụ người xem”
Đại diện nhà đài truyền hình Việt Nam.