Chuyên gia quốc tế nhận định tài liệu dạy tiếng Anh của Việt Nam ‘quá tham vọng’
Các chuyên gia giáo dục quốc tế giải thích lý do việc dạy học tiếng Anh không thu hút học sinh và nêu phương pháp dạy học tiếng Anh có nhiều triển vọng mới trong bối cảnh công nghệ phát triển, các nước càng ‘xích lại’ gần nhau.
Vì sao học sinh không hứng thú với việc giao tiếp tiếng Anh?
Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, PGS-TS Naeema Begum Hann của Trường Giáo dục, ĐH Leeds Beckett (Anh) cho rằng người Việt đang chú trọng phát triển năng lực tiếng Anh nhưng giáo viên và học sinh lại thiếu cơ hội sử dụng ngôn ngữ này ở ngoài lớp học. Đây có thể là một trong những lý do học sinh không hứng thú với việc giao tiếp.
“Bên cạnh đó, những học sinh với năng lực chênh lệch trong 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đang còn được sắp chung một lớp”, PGS-TS Hann chia sẻ tại hội thảo quốc tế về nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh của khoa ngoại ngữ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng ngày 9.12.
Theo nhận định của PGS-TS Hann, tài liệu giảng dạy của thầy cô ở Việt Nam được biên soạn “quá tham vọng” nhưng nội dung lại không thu hút học sinh, dẫn đến việc các em phải cố gắng viết về những khái niệm trừu tượng, coi trọng ngữ pháp trong khi chưa sẵn sàng về mặt ngôn ngữ.
Tại buổi hội thảo, sinh viên theo dõi màn hình với phần thuyết trình của PGS-TS Naeema Begum Hann về những bất cập đang tồn tại trong lớp dạy học tiếng AnhNGỌC LONG |
Tích hợp công nghệ vào giảng dạy tiếng Anh
Bên cạnh đó, các chuyên gia lưu ý, nhờ sự phát triển của công nghệ, việc dạy và học ngôn ngữ đã thay đổi nhanh đến mức lớp học truyền thống không còn giữ vai trò chủ đạo.
Vì thế, các cơ sở giáo dục hiện nay cần tích hợp sáng tạo những yếu tố công nghệ hiện đại và công cụ kỹ thuật số nhằm hỗ trợ quá trình dạy và học.
“So với phương pháp giảng dạy ngôn ngữ truyền thống đôi khi khiến người học bị động và nhàm chán, các phương pháp giảng dạy hiện đại ưu tiên lối tiếp cận giao tiếp và tương tác. Người học có thể hưởng lợi đáng kể thông qua việc học ngôn ngữ trên máy tính hoặc thiết bị di động”, PGS-TS Swayam Prabha Satpathy từ ĐH Siksha ‘O’ Anusandhan (Ấn Độ) khẳng định.
Buổi hội thảo thu hút đông đảo sinh viên khoa ngoại ngữ, ĐH Tôn Đức ThắngNGỌC LONG |
Bên cạnh đó, những công nghệ mới như tương tác thực tế ảo (AR) cũng được áp dụng trong giảng dạy tiếng Anh, theo tiến sĩ Said Hamed AL Saadi, chuyên viên giám sát cấp cao tại Bộ Giáo dục Oman.
“Dù AR chỉ bước đầu tiếp cận lĩnh vực giáo dục nhưng nó sẽ mang lại tiềm năng to lớn để cải thiện hệ thống giáo dục của chúng ta”, tiến sĩ Saadi thông tin.
Sinh viên trình diễn tiết mục văn nghệ về đa dạng văn hóaNGỌC LONG |
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đưa ra những phương pháp dạy học mới, bao gồm lớp học trực tuyến kết nối sinh viên, học sinh từ những quốc gia khác nhau.
Nghiên cứu về những lớp học trực tuyến giữa 2 trường tại Nhật Bản và Việt Nam, GS-TS Mitsuko Yamamoto từ ĐH Khoa học y tế Kyoto (Nhật Bản) chỉ ra rằng các sinh viên không thuộc chuyên ngành liên quan đến ngôn ngữ Anh không chỉ được tạo động lực học tiếng Anh mà còn phát triển tư duy toàn cầu.
Về cách tổ chức lớp học trực tuyến này, GS-TS Mitsuko cho hay, có 3-5 sinh viên năm 4 từ 2 cơ sở giáo dục lần lượt thuyết trình về những chủ đề liên quan đến nghề nghiệp tương lai. Sau đó, sinh viên cùng trao đổi quan điểm của mình trong phần hỏi đáp.
Hơn 140 chuyên gia, học giả có mặt tại hội thảoNGỌC LONG |