5 kiểu người có EQ thấp nơi công sở
Dù không được nhắc đến nhiều nhưng chỉ số cảm xúc (EQ) cần thiết trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
1. Không biết kiểm soát cảm xúc
Đôi khi, chỉ số cảm xúc còn quan trọng hơn cả chỉ số thông minh. Trong những lúc bản thân không bình tĩnh, tốt nhất đừng nên hành động quá khích. Vì chỉ cần một hành động nhỏ thì bạn có thể ảnh hưởng không tốt tới đồng nghiệp, tới khách hàng hoặc tới cả sếp. Chỉ hành động mà không nghĩ đến hậu quả, chắc hẳn bạn đang tác động gián tiếp tới công việc của chính mình.
Một hành động nông nổi như vậy chỉ chứng tỏ bạn chưa trưởng thành mà thôi và điều này cực kì gây hại cho sự nghiệp của chính bạn. EQ thấp có thể đoán trước được thành công hay thất bại của bạn trong tương lai. Nếu không nhận thức được điều này và sửa chữa thì bạn sẽ phải hối hận về những hành động của mình.
2. Quá thẳng tính
Thẳng thắn là một đức tính tốt nhưng không phải trong trường hợp nào phẩm chất này cũng được đánh giá là có lợi. Trong môi trường công sở, giao tiếp là một nghệ thuật, đừng nên gây cho ai sự hiểu lầm hay tự ái, thậm chí có thể là rào cản sự nghiệp của chính bạn.
Người có EQ thấp thường không quan tâm tới những người xung quanh, có gì nói đấy, có thể khiến bản thân gặp sai phạm dù không có ý đồ sâu xa nào khác. Nếu ăn nói không giỏi thì hãy “giảm nói, tăng làm” để chứng minh giá trị của bản thân.
3. Khó làm việc nhóm
Tính cách ngang bướng, không chịu lắng nghe, luôn đặt cái tôi lên trên khiến cho bạn gặp khó khăn khi làm việc chung cùng đồng nghiệp. Vậy chắc hẳn bạn chưa nghe đến câu nói này, “Muốn đi nhanh thì đi một mình/Muốn đi xa thì đi cùng nhau”?
Khi cần tới sự đoàn kết trong công việc để tất cả cùng đạt một kết quả tốt nhất, hãy hạ thấp cái tôi của mình xuống để dung hòa với ý kiến của đồng nghiệp. Đừng vì một cá nhân mà làm hỏng công sức của cả một nhóm.
4. Luôn tìm cách đổ lỗi
Đổ lỗi để khiến bản thân không phải chịu trách nhiệm là cách không ít những người có EQ thấp sẽ làm để trốn tránh thực tại. Họ luôn tìm mọi cách để đổ lỗi và không muốn công nhận rằng bản thân chưa đủ khả năng và tài năng. Tuy nhiên, tính cách này có thể sẽ bị những người làm việc cùng nhóm cảm thấy khó chịu và không muốn kết bạn.
5. Ngại giao tiếp
Không biết giao tiếp, tự bạn đã cắt đi những mối quan hệ có ích cho cuộc sống và công việc của mình. Sống khép kín có thể giúp bạn cảm thấy bình yên, thoải mái thể hiện chính mình nhưng sống mà không giao tiếp với những người xung quanh, há chẳng phải bạn đang tự cô lập mình hay sao?
Bạn nên mở lòng mình, học giao tiếp dần dần với những người cận kề mình để không còn ngại ngần nữa. Giữ mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và sếp sẽ giúp bạn có những cơ hội tốt hơn để thể hiện bản thân.