#Ưu tiên cho người cần mình hơn
Bạn có bao giờ tủi thân vì chuyện mình cần một ai đó, cần lắm, mà người ta không cần mình không? Nếu có, bạn làm gì khi ấy? Nhắn tin, gọi điện, lăng xăng trước mặt người ta nhiều hơn để người ta nhớ ra sự tồn tại của mình? Hầu hạ, lấy lòng, năn nỉ, cầu xin, khóc lóc? Hay nổi cơn tự ái mà bay biến khỏi cuộc đời người ta?
Cùng điểm qua một vài nguyên tắc trong mối quan hệ giao kết với người mình coi trọng:
– Nguyên tắc ai lụy nhiều hơn thì thiệt thòi hơn: Cứ ngỡ, chỉ cần cố gắng hết sức, chỉ cần chân thành và trân trọng người ta thì sẽ được đền đáp lại. Điều này cũng có nhưng hiếm lắm. Có một thực tế phũ phàng là tử tế quá thì sẽ không được trân trọng. Nhưng nếu trời sinh bạn vốn dĩ là một người tử tế rồi thì không thể nào bắt bạn dừng tử tế được, chỉ còn cách là phải tử tế khôn ngoan, nghĩa là tử tế với người xứng đáng nhận được sự tử tế của bạn. Còn làm sao để biết người đó xứng đáng hay không, tôi sẽ nói ở phần sau.
– Nguyên tắc “quá tam ba bận”: Nếu bạn đã tha thứ đến lần thứ ba mà người ta vẫn phạm những lỗi cũ trong mối quan hệ với bạn thì nên dừng lại. Nếu bạn đã chủ động đến lần thứ ba mà người ta vẫn trơ ra như gỗ đá thì bạn nên kết thúc mối quan hệ cho đỡ mất thời gian. Bạn nhắn tin, mời ăn mời uống, mời đến nhà, tặng quà cáp, tạo cơ hội, trao giá trị, gửi yêu thương… gì người ta cũng nhận, chỉ là không đáp lại bạn hoặc đáp lại qua loa, chiếu lệ. Bạn phơi bày hết ruột gan bạn, cuộc đời bạn với người ta trong khi người ta khá bí ẩn trước bạn với những thông tin nhỏ giọt. Điều đó có nghĩa là bạn không đủ quan trọng, không tồn tại trong bộ nhớ của người đó. Trừ khi bạn muốn cho đi vô điều kiện hay hy sinh tận hiến thì cứ việc tiếp tục kết nối với họ.
– Nguyên tắc không xem thường trực giác: Nếu trực giác mách bảo bạn mối quan hệ mà bạn nâng niu đang có vấn đề thì nên lắng lòng để quan sát, phân tích thấu đáo hơn. Hành vi này cần sự kín đáo, điềm tĩnh và kiên nhẫn cho đến lúc bạn xác định được vấn đề của mối quan hệ là gì. Nhiều người đã linh cảm có điều bất ổn trong mối quan hệ nhưng tặc lưỡi cho qua, chừng xảy ra chuyện lớn mới hệ thống lại mọi thứ thì đã quá muộn.
– Nguyên tắc những chiếc vòng đồng tâm: Hãy tưởng tượng bạn và các mối quan hệ là những vòng tròn đồng tâm. Chỉ có bạn và mỗi mình bạn trong vòng tròn đầu tiên. Hãy để trống vòng tròn thứ hai. Những người có quan hệ mật thiết với bạn (cha mẹ, con cháu, anh chị em, chồng/ vợ, người yêu) ở trong chiếc vòng thứ ba. Vòng tròn thứ tư là những người mà bạn có duyên lành và may mắn được kết giao trên đường đời, có thể là tri âm tri kỷ, bạn thân, người ơn. Cứ như vậy, vòng tròn thứ năm, sáu, bảy… là những người tốt với bạn hay có ý nghĩa nào đó trong đời bạn nhưng mức độ sâu sắc giảm dần. Các vòng tròn này sẽ nhắc nhở bạn biết thứ tự ưu tiên cũng như mức độ đối đãi dành cho những người quanh bạn.
Vì sao nên để trống vòng tròn thứ hai?
Vòng tròn này nhắc bạn rằng không ai chịu trách nhiệm về cuộc đời bạn tốt hơn bạn. Ngay cả khi không ai muốn bên cạnh bạn hay thấu hiểu bạn thì cũng đừng nên tuyệt vọng, vì bạn còn có chính bạn để mà nương tựa. Sức khỏe, trí huệ, sự nghiệp là những điều trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng sống và hạnh phúc của bạn. Những người khác, dù bạn có thương họ đến đâu và họ có thương bạn đến đâu thì cũng đừng phó thác vui buồn đời mình cho họ. Khi bạn miễn trừ trách nhiệm của người khác dành cho bạn, bạn sẽ cảm nhận rõ rệt sự nhẹ nhõm trong bản chất của từng mối quan hệ.
Quỹ thời gian của chúng ta chỉ ngày càng eo hẹp đi chứ không có chuyện ngược lại. Do vậy, nên dành thời gian, tâm sức cho những người cần bạn hơn là những người lơ là với bạn. Người cần bạn cũng là người bạn cần, chứ không phải ai cần bạn thì bạn cũng phải chạy đến bên người đó.